Những người lính blouse trắng

Những người lính blouse trắng

Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Quân dân Miền Đông (BVQDMĐ), Đại tá Đào Trung Cang nói: “Nhận bệnh nhanh - cấp cứu nhanh để giành lại sự sống cho bệnh nhân” đó là mục tiêu thi đua, phấn đấu của tất cả các thầy thuốc và cán bộ chiến sĩ trong bệnh viện…

“Sáng mắt, sáng lòng”

Những người lính blouse trắng ảnh 1

Mổ mắt cho 147 bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Quân dân Miền Đông vào ngày 12-6-2008.

Chỉ lên con mắt bên phải còn băng kín, bà Nguyễn Thị Kim Liên, quê ở Bình Thuận nói với tôi: “Nghe nói mổ xẻ thì thấy sợ, chứ bác không thấy đau đớn gì cả, vì là mổ “pha cô, pha căng”… (pharco) gì đó. Nghe nói mắc tiền lắm hả cháu?”. Một tốp y bác sĩ điều trị đi vào phòng của bà Liên.

Họ hỏi han bà rồi tháo bông băng, sát trùng, rồi “cấp” cho bệnh nhân một túi thuốc, một cái… kính mát và một trăm nghìn đồng. Bà Liên khóc: “Trời ơi, thấy đường rồi. Tui bị đục thủy tinh thể từ ba năm nay không thấy đường, các bác sĩ cứu tui rồi!”. Giường bên cạnh, cụ bà Nguyễn Thị Nhơn (Long Điền-Bà Rịa Vũng Tàu) ôm đứa con gái nuôi (con của đồng đội hy sinh trong kháng chiến) khóc rưng rức vì “sáng quá, sáng quá con ơi, mẹ thấy đường rồi!”.

Tiếng nói cười, tiếng reo vui xen lẫn giọt nước mắt hạnh phúc do được thấy lại ánh sáng của các bệnh nhân nằm cùng phòng với bà Liên… Nhưng chúng tôi cảm nhận, còn vui hơn cả niềm vui của bệnh nhân là những người khoác blouse trắng. Thượng tá, Bác sĩ Lương Văn Một, Giám đốc BVQDMĐ, hồ hởi nói: “Hôm nay (12-6), chúng tôi kết hợp với Hội Bảo Trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và đoàn y bác sĩ Australia mổ miễn phí xóa mù cho 147 bệnh nhân nghèo. Đây cũng là công việc thường xuyên của ngành y, trong đó có chúng tôi, những thầy thuốc mặc áo lính”.

Không ngừng học tập

4 giờ 45phút chiều 25-3-2008, bệnh nhân Nguyễn Đức Thuận được đưa vào cấp cứu vì tai nạn giao thông trong tình trạng: vỡ bàng quang, vỡ khung xương chậu, biến dạng dập nát bàn chân phải, vết thương trên thái dương mở 1x1x6cm, xây xát toàn thân… Bệnh nhân có dấu hiệu trướng bụng do chảy máu kín và nguy cơ tử vong. Sau khi cấp tốc hội chẩn, 1 giờ khuya 26-3-2008, ê kíp mổ do phó giám đốc bệnh viện cầm dao mổ, bắt đầu khâu bàng quang, khâu mạc treo và cầm máu. Thiếu máu tiếp ứng, ê kíp mổ đã huy động tổng lực ngay trong đêm được 1.000ml (4 đơn vị) để cứu sống bệnh nhân. Một bác sĩ trong ê kíp nhớ lại: “Nếu chuyển viện mà không xử lý và sau đó mổ ngay, anh Thuận sẽ tử vong…”.

Ca cấp cứu ngoạn mục gần nhất mà báo chí đã đăng tải là vào ngày 13-4-2008, bệnh nhân Trần Ngọc Lành (sinh năm 1971) bị tai nạn lao động do máy đóng cừ trên một công trường bị rơi làm anh Lành gãy xương cùng cụt, gãy ngành ngồi, suy thận cấp, gãy mấu ngang bàn chân, hoại tử bàn chân phải. Thêm nữa là sau khi té ngã, bệnh nhân Lành còn bị một chiếc cọc đâm thấu từ hậu môn lên… Các sĩ quan, chiến sĩ quân y của bệnh viện khi nghe hỏi về trường hợp này đều thốt lên: “Đó là trường hợp tai nạn hy hữu, khả năng cứu sống rất mong manh”. Nhờ nỗ lực của tất cả y bác sĩ, hộ lý, nhân viên các khoa-phòng của bệnh viện, sau 9 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch…

Thượng tá-Bác sĩ Lương Văn Một cho biết: “Mới được thành lập 6 năm nay nhưng Bệnh viện QDMĐ có thể cấp cứu và điều trị tất cả các bệnh nội khoa, nội soi cầm máu do chảy máu đường tiêu hóa, phẫu thuật nội soi túi mật, dạ dày, thay khớp háng - khớp gối nhân tạo; điều trị thận, tiết niệu, tuyến tiền liệt… Đây là quá trình học tập không ngừng của chúng tôi từ các bệnh viện “đàn anh” như Chợ Rẫy, Đại học Y dược TPHCM, 115…”.

“4 không, 2 nhanh”

Bí thư Đảng ủy BVQDMĐ, Đại tá Đào Trung Cang cho biết: “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lại mang danh là “bộ đội cụ Hồ”, chúng tôi khắc cốt ghi tâm lời dạy của Người: “Lương y như từ mẫu”. Thêm nữa, do đa phần bệnh nhân đến đây đều là dân nghèo, thành phần lao động và LLVT trong khu vực nên chúng tôi đề ra phương châm “4 không, 2 nhanh” cho mọi hoạt động y tế”.

Phỏng vấn chớp nhoáng 5 trường hợp có thân nhân vào Khoa Cấp cứu, chúng tôi ghi nhận: không có bất kỳ yêu cầu gì từ phía “tài vụ” của bệnh viện như đóng “tiền thế chân”, “tiền tạm ứng”… như nhiều cơ sở y tế khác vẫn làm! Đây chính là “2 nhanh” mà bí thư Cang nói: “Nhận bệnh nhanh-cấp cứu nhanh” để giành lại sự sống cho bệnh nhân, mặc dù sau đó, anh cũng thừa nhận “mặt trái”: “Chúng tôi thường bị “mất tích” bệnh nhân sau khi cứu sống họ”.

Từ một doanh trại với thiết bị cũ kỹ cùng 50 giường bệnh, sau 6 năm, Bệnh viện Quân dân Miền Đông đã được nâng cấp lên 350 giường nội trú với 281 y, bác sĩ, điều dưỡng và CBNV. Hệ thống trang thiết bị: máy CT scanner, máy siêu âm, máy nội soi dạ dày, máy gây mê, bàn phẫu thuật, máy điện tâm đồ, sinh hóa, huyết học… khá hiện đại, đều do bệnh viện tự trang bị từ nguồn thu. Theo Đại tá Đào Trung Cang thì “4 không” mà đảng ủy bệnh viện đề ra ở đây chính là: “Không thờ ơ-không từ chối-không nặng lời-không gây phiền hà” đối với bệnh nhân…

Nếu như năm 2002, BVQDMĐ mới tiếp nhận khoảng 60.000 lượt bệnh (tỷ lệ sử dụng giường bệnh 48%) thì năm 2007, nơi đây đã có hơn 145.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị, cấp cứu… (tỷ lệ giường bệnh hiện quá tải, đạt từ 104%-132%). Con số trên chính là niềm tin mà quân - dân miền Đông Nam bộ đặt vào những người lính mặc áo blouse trắng! 

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục