Cụ thể, bà B (46 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) gửi tiền tiết kiệm 19 tỷ đồng ở một ngân hàng. Nhưng mỗi khi bà B gửi tiền hay rút tiền, nhất cử nhất động đều được ai đó báo cáo ngay lập tức với gia đình bên chồng bà. Bà báo với người có trách nhiệm thì được trấn an là ngân hàng tuyệt đối bảo mật thông tin khách hàng. Bà tiếp tục gửi tiền, nhưng không hiểu sao người chị chồng vẫn biết và về nói với cả gia đình. Bà B tìm hiểu và được biết tại ngân hàng có một nhân viên kiểm tra chứng từ là bạn thân của chị chồng, nên bà nghi ngờ có thể mọi thông tin giao dịch của bà bị lộ từ đây. Bà B cũng phản ánh lại để ngân hàng chấn chỉnh, nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Bà thấy không thoải mái vì bị soi mói, nói này nói nọ nên quyết định rút hết tiền trước kỳ hạn. Vừa rút xong, ngày hôm sau gia đình chồng cũng biết chuyện.
Bà khởi kiện ngân hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại gần 900 triệu đồng, là số tiền lẽ ra bà sẽ được hưởng nếu không rút tiền trước kỳ hạn, đồng thời phải xin lỗi bà công khai vì để rò rỉ thông tin. Tòa không chấp nhận yêu cầu của bà B, vì bà không cung cấp được bằng chứng về việc nhân viên của ngân hàng tuồn thông tin ra ngoài. Tại tòa, tất cả mọi người đều phủ nhận việc làm lộ thông tin. Đại diện ngân hàng nói, đã kiểm tra lại các khâu nghiệp vụ và không phát hiện sai sót. Đến cấp phúc thẩm, các yêu cầu bồi thường thiệt hại và được xin lỗi công khai của bà B vẫn không được tòa chấp nhận. Bà còn phải nộp án phí gần 39 triệu đồng.
Vụ việc làm người viết liên tưởng đến một câu chuyện tương tự của đồng nghiệp. Khi vừa nộp cho Sở Ngoại vụ bảng xác nhận thu nhập để bổ sung hồ sơ xin visa công tác, vừa nộp xong lúc 4 giờ chiều thì ngay tối hôm đó có người đã hỏi chuyện chị, rằng thu nhập cao quá nhỉ. Người đó còn trưng ra cả hình chụp bảng xác nhận có đóng dấu đỏ! Biết là thông tin của mình bị một người nhiều chuyện nào đó tiết lộ ra ngoài, nhưng chị đã không “hỏi cho ra nhẽ” vì biết sẽ không ai thừa nhận.
Cũng giống như câu chuyện của bà B trên đây, có thể thấy có những ngóc ngách mà luật pháp chưa lường hết được các tình huống phức tạp của đời sống. Nhưng nếu cứ giữ thói quen “nhiều chuyện” kiểu như vậy thì sớm muộn cũng “có chuyện”.