Những người phụ nữ nơi công trường xây dựng

Phụ hồ là công việc nặng nhọc, nhiều khi phải làm việc chênh vênh trên cao nguy hiểm, đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, vốn chỉ dành cho lao động nam giới. Tuy vậy, vì miếng cơm manh áo, nhiều phụ nữ vẫn chọn nghề này để kiếm sống.
Chị Sắn đã gắn bó với công việc phụ hồ hơn 20 năm
Chị Sắn đã gắn bó với công việc phụ hồ hơn 20 năm

Vất vả mưu sinh

Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng ở TPHCM, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ mang vác những bao xi măng, những xô cát, trộn hồ, hay đứng trên giàn giáo không khác gì nam giới. Có tận mắt chứng kiến những phụ nữ làm phụ hồ thoăn thoắt nơi công trường bụi bặm mới thấu hiểu những nỗi vất vả, cực nhọc mà họ phải trải qua. Những tiếng í ới gọi gạch, đá, cát… của thợ xây hối thúc, nếu không cẩn thận, chỉ một sơ suất nhỏ tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. 

Phần lớn những người phụ nữ làm phụ hồ tại TPHCM đến từ các tỉnh. Họ đều ở tuổi trung niên - độ tuổi rất khó để xin được một công việc ổn định ở các nhà máy hay xí nghiệp. Chị Nguyễn Thị Bắc (43 tuổi, quê ở Long An) đã làm phụ hồ tại một công trường xây dựng ở quận Tân Bình từ 3 năm nay. Sau một ngày quần quật ở công trường đầy cát bụi để chắt chiu từng đồng gửi về cho gia đình, niềm vui bình dị nhất của chị là giây phút được ngả lưng nghỉ ngơi.

Chị tâm sự: “Làm nghề phụ hồ dù nam hay nữ đều phải làm tất cả các công việc xúc cát, trộn hồ, bưng bê gạch đá... Nghề này chẳng ai dạy mình, làm từ từ rồi sẽ biết thôi. Nắng mưa gì cũng phải làm, mới đầu tôi làm không quen nên bị bong gân, gạch đá rơi trúng người là chuyện bình thường”.

Đang trộn hồ ở tầng trệt, bỗng một chiếc thùng nhựa được thả từ trên cao xuống, chị Phan Thị Hạnh (51 tuổi, quê ở Tiền Giang) vội vàng đổ hồ đã trộn và xếp gạch vào cho đầy thùng, rồi gắn vào ròng rọc, kéo thật nhanh lên cho thợ xây ở phía trên. Đó là công việc hàng ngày của chị.

Chị kể: “Tôi lên TPHCM làm nghề phụ hồ thời vụ, thường khoảng 3 đến 5 tháng cất xong một ngôi nhà, hết việc lại trở về quê làm ruộng. Nghề này cực nhọc nhưng cũng phải cố gắng làm, vì mình không có tay nghề chuyên môn. Mỗi ngày tôi làm 8 tiếng, thu nhập khoảng 250.000 đồng, cố gắng tích góp gửi về nhà để nuôi 2 con ăn học. Có hôm về tới phòng trọ ở quận 12 mệt thở không nổi, ăn vội chén cơm rồi nằm ngủ luôn. Đôi lúc nhớ gia đình ở quê nhưng không về được, vì chỉ cần nghỉ một bữa là bị đuổi việc ngay”.

Tất cả vì gia đình

Làm thời vụ, mỗi nơi làm trong vài tháng, nên những người phụ hồ thường chọn những phòng trọ bình dân để ở. Thậm chí dựng lán trại ở ngay công trường xây dựng, tiết kiệm tối đa chi phí. Chị Ngô Thị Sắn (53 tuổi, ở quận 12) gắn bó với các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM đã hơn 20 năm. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 4 đứa con ăn học. Dù công việc vất vả, nhưng thu nhập cũng đỡ, nên chị vẫn tiếp tục làm. Chị tâm sự: “Tôi có tuổi rồi, cũng không biết làm nghề gì khác. Trước đây có buôn bán, nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, nên làm phụ hồ. Cố gắng nuôi con ăn học nên người, mong sau này đời sống gia đình sẽ ổn định hơn”. 

Khi được hỏi về hy vọng tương lai, chị Bùi Thị Hảo (40 tuổi, quê ở Đồng Nai) cười nói: “Đi làm, chứng kiến biết bao nhiêu ngôi nhà được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, rồi nhìn lại tình cảnh nhà mình, đôi lúc cảm thấy tủi thân vô cùng. Cuộc sống nay đây mai đó, cực nhiều rồi, chỉ mong mọi người trong gia đình có sức khỏe, bản thân cố gắng tích góp gửi về cho gia đình bớt khổ hơn, mong sau này có thể cất được căn nhà cho đàng hoàng một chút”.

Tuy nhọc nhằn nhưng những người phụ nữ làm phụ hồ với đôi bàn tay chai sần vẫn thầm lặng, cần mẫn gắn bó cùng công trường đầy nắng bụi. Với họ, niềm vui chỉ đơn giản là có thể kiếm được tiền để lo cho gia đình.

Tin cùng chuyên mục