Những nông dân ở Chiến khu Hoài Ân xưa làm kinh tế trang trại giỏi

Huyện Hoài Ân là vùng đất được giải phóng sớm nhất ở tỉnh Bình Định (19-4-1972). Từ đó đến nay, nhiều nông dân ở vùng đất trung du này đã tận dụng những lợi thế của quê hương mình kết hợp với yêu cầu thực tế của thị trường để xây dựng và phát triển kinh tế trang trại có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống… 

Người thương binh gương mẫu

Rời quân ngũ năm 1979 với thương tích cụt chân trái, ông Nguyễn Xuân Thạnh (55 tuổi - nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 29, Sư 307) về lại quê nhà ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) để làm kinh tế. Năm 1999, thu gom tất cả vốn liếng dành dụm của gia đình, hai vợ chồng ông Thạnh vay thêm của Nhà nước hơn 10 triệu đồng để cải tạo vườn đồi thành trang trại chuyên trồng cây tiêu và chăn nuôi heo, gà thả vườn.

Hiện gia đình ông Thạnh đã có hơn 900 gốc tiêu đang cho quả, mỗi lứa nuôi khoảng 140-150 con heo, trừ tất cả chi phí, gia đình ông Thạnh dư ra mỗi tháng khoảng 40 triệu đồng. Không những làm giàu cho bản thân, mỗi năm trang trại của ông Thạnh còn tạo ra khoảng 200 đến 300 ngày công cho người dân địa phương với mức 50.000 đồng/ngày. Liên tiếp từ năm 2007 đến năm 2009, thu nhập của gia đình ông Dương Phong (SN 1966 - ở thôn Thế Thạnh 1, xã Ân Thanh) trên 600 triệu đồng, trong đó 400 triệu đồng từ chăn nuôi heo, 200 triệu đồng từ nuôi cá và trồng trọt.

Phong trào làm giàu lan tỏa

Vừa bước sang tuổi 35 nhưng anh  Nguyễn Văn Trí ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa) đã có một cơ ngơi bạc tỷ. Anh Trí cho biết: “Trước đây, làm ra được đồng lương nào tôi cũng dành dụm bằng được để mang về mua đất rừng làm trang trại. Bây giờ thì tôi đã có gần 100 ha đất trồng keo, dó bầu”. Ngoài việc nuôi heo, nuôi gà thả rông, anh Trí đang nuôi thử nghiệm 50 con gà sao, gà lôi, 30 con heo rừng giống của Thái Lan, Malaysia và heo rừng địa phương…

Ngoài anh Trí, ở huyện Hoài Ân còn có ông Trần Văn Thước (xã Ân Tín), Trần Thống (thị trấn Tăng Bạt Hổ) cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi heo rừng lai, ông Huỳnh Văn Lam (xã Ân Phong) nuôi 500 con bồ câu giống Pháp - Nhật… Nhiều nông dân khác lại kết hợp việc làm kinh tế trang trại với phát triển các ngành nghề kinh doanh-dịch vụ như ông Phan Văn Lộc (Ân Tường Đông), Hoàng Ngọc Toàn (Ân Tường Tây), Hồ Thị Nhành (Ân Phong), Đinh Văn Nhanh (Bók Tới)… Thu nhập bình quân của các mô hình nói trên sau khi trừ chi phí còn từ 16 đến 18 triệu đồng/người/năm.

Ông Hồ Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân, cho biết: “Các mô hình kinh tế trang trại ở Hoài Ân đã tăng nguồn thu nhập cho nông dân, góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo; giúp nông dân vươn lên làm giàu; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động và hàng ngàn lao động thời vụ; góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở địa phương”.

TRỌNG HOÀNG

Tin cùng chuyên mục