Ở New York, nhiều người tình nguyện đã lập ra một nhóm tuần tra công dân để bảo đảm an ninh trong các khu phố. Richard Lee, cựu cảnh sát về hưu, là một trong những thành viên tích cực của nhóm tuần tra mặc đồng phục áo vàng này. Nhiệm vụ chính của nhóm là đảm bảo an ninh cho phố Flushing.
Cùng với Chinatown, Flushing có cộng đồng người châu Á sinh sống lớn nhất ở New York; những tháng gần đây, các vụ tấn công và hành hung tăng lên rất nhiều. Trên đường phố, những người tình nguyện phân phát các tờ rơi kêu gọi chống bạo lực, hướng dẫn cư dân đi kiện trong trường hợp bị hành hung. Họ cũng sẵn sàng hộ tống người cao tuổi di chuyển trên đường phố hoặc đến nơi công cộng nếu như những người đó thấy lo sợ.
Tại California, một sáng kiến do cô Esther Lim khởi xướng đang nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng. Esther Lim là tác giả cuốn cẩm nang nhỏ Làm sao để tố cáo tội phạm mang tính thù hận, được in bằng 7 ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.
Cuốn sách đưa ra những lời khuyên, cách thức tốt nhất để phối hợp hành động với cảnh sát và những câu bằng tiếng Anh để hô hoán người qua đường giúp đỡ khi bị tấn công. Esther Lim từng cảm thấy lo sợ trước những vụ tấn công ngày càng gia tăng, nhưng khi bắt tay biên soạn cuốn cẩm nang, sự hỗ trợ của cộng đồng đã khiến cô hy vọng mọi thứ sẽ dần dần thay đổi. Sau khi cuốn cẩm nang được phát hành, cô đã phân phát cho bạn bè và trong các hiệp hội cộng đồng châu Á ở Los Angeles.
Giống như cô Esther Lim, rất nhiều người Mỹ gốc Á khác đã mở các chiến dịch tuyên truyền trên mạng, gây quỹ và thành lập các nhóm hỗ trợ nhau. Ông Jimmy Bounphensy tập hợp người tình nguyện đi tuần trong khu Chinatown ở Oakland, California và đưa những người gốc Á cao tuổi về nhà. Ông cho biết, sự hiện diện của nhóm hỗ trợ là để cho mọi người thấy, họ thực sự muốn bảo vệ cộng đồng bằng mọi giá, để bảo đảm mọi người được trở về nhà an toàn.
Trong khi đó, tại thành phố Garden Grove, một lớp học tự vệ miễn phí đã được mở để khuyến khích mọi người học cách bảo vệ mình. Lớp học có đủ các thế hệ tham gia, từ thanh thiếu niên, trung niên cho đến người lớn tuổi. Ai cũng rất chăm chú quan sát và thực hành. Dù không nhận được khoản tiền nào, nhưng các giáo viên tham gia giảng dạy đều rất nhiệt tình. Họ cho rằng, điều cần thiết nhất là tất cả phải sát cánh để giảm bớt nạn bạo lực.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh lên án hành vi kỳ thị chủng tộc đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á và vùng đảo trong Thái Bình Dương (AAPI). Một số bang như California hay New York cũng đã hưởng ứng bằng cách chi thêm ngân sách cho đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á, cùng với việc đưa ra thảo luận các dự luật liên quan.
Trong năm qua, Mỹ ghi nhận 3.800 hành vi thù ghét và bạo lực với người Mỹ gốc Á. Theo nghiên cứu của Đại học bang California, vào năm 2020, tội ác thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng 149% so với năm trước, đặc biệt tăng đột biến vào tháng 3 và 4 khi gia tăng các ca mắc Covid-19. |