Sách được đánh giá là hàng hóa đặc thù, tuy nhiên, dù đặc thù nhưng với vai trò một dạng hàng hóa, sách cũng có những cách tuyên truyền quảng bá như mọi loại hàng hóa khác. Và một trong những cách đó là việc đặt tên sách sao cho ấn tượng, sao cho bạn đọc dễ chú ý đến nhất. Kết quả, trên thị trường ngày càng có nhiều đầu sách với những cái tên gây ngỡ ngàng cho bạn đọc.
“…Em phải dậy lấy chồng”
Vừa qua, tập thơ của một nhà thơ trẻ đã gây ấn tượng mạnh với bạn đọc, thế nhưng ấn tượng không phải là ý thơ phá cách hay vần thơ độc đáo mà ở cái tên của tập thơ Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng của tác giả Nồng Nàn Phố. Cái tên dài dòng đó được lấy từ một ý thơ trong tuyển tập, đây là cách làm khá quen thuộc của các nhà thơ nhưng trong trường hợp này, ý tứ của câu thơ đã rất thành công trong việc tạo tò mò với bạn đọc.
Nếu phải tính mốc thời gian để ghi nhận trào lưu đặt tên sách kiểu gây sốc thì người ta hay nhắc đến sự xuất hiện của truyện ngắn Trung Quốc Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Tào Đình). Tác phẩm này không để lại nhiều ấn tượng về thủ pháp văn chương nhưng cách đặt tên đầy chất thị giác với bạn đọc đã nhanh chóng được nhiều tác giả trong nước học theo.
Thời gian gần đây, nhiều tác giả trẻ cũng cho ra đời những tác phẩm mà chỉ nhìn tên của cuốn sách đã khiến người đọc phải ngạc nhiên. Có tác giả đặt tên sách theo dạng “có sao nói vậy” kiểu Chân ngắn sao phải xoắn; Gái khôn không bao giờ sợ ế, Vì anh… nghiện em rồi, Tôi yêu anh đồ du côn… Có cuốn đặt theo phong cách “triết lý” như Yêu đi để còn chia tay, Yêu anh bằng tất cả những gì em có và Mất anh bởi tất cả những thứ em cho… Thậm chí có tác phẩm đặt tên rất “trực quan” Đàn ông chọn khe ngực sâu…
Hay dở cũng cần ấn tượng
Có một dạo, nhiều bạn đọc quan niệm rằng sách dở mới tìm cách đặt tên cho “kêu” để thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi, đặt tên gây sốc được coi là một hình thức quảng bá sách hiệu quả. Tiêu biểu như gần đây có tuyển tập tản văn Sài Gòn mùa trứng rụng của nhà văn Chị Đẹp (tên thật Lê Phương Thảo), tên sách này đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều nhau. Một bạn đọc trên webtretho kể, khi lần đầu thấy tác phẩm trong một nhà sách, chị tò mò cầm đọc vì nghĩ trứng rụng ở đây là trái trứng cá rụng, nhưng Sài Gòn có mấy cây trứng cá để mà có “mùa trứng rụng”?! Càng đọc chị mới té ngửa khi biết tên sách không phải hàm ý chuyện cây cối mùa màng mà là một khái niệm khác, vốn rất tế nhị trong cuộc sống. Thế nhưng, theo chị đây lại là một cuốn sách hay nói lên tâm trạng của nhiều phụ nữ hiện nay với ước mơ và cả nỗ lực thoát khỏi những định kiến xã hội. Thật ra hiện nay cũng đã có không ít phụ nữ làm được như thế nhưng nói ra được như Chị Đẹp lại chẳng mấy ai, và cũng vì thế dù cái tên sách khá “tế nhị” nhưng ít gây phản cảm cho người đọc khi nó phản ánh đúng tư tưởng của cuốn sách.
Cũng như thế, tập thơ của Nồng Nàn Phố nếu ai phản cảm với cái tên sách khi đọc qua, hẳn bất ngờ khi cái tên lại phản ánh khá đầy đủ những gì tác giả muốn chuyển tải trong tác phẩm. Trước Phố, nhà thơ trẻ Phong Việt cũng áp dụng rất thành công cách tạo ấn tượng cho tác phẩm của mình như thế. Có điều thay vì đặt tên tác phẩm kiểu gây tò mò, anh đặt một cái tên bình thường Từ yêu đến thương nhưng ở bìa sách thêm một câu thơ cũng gây ấn tượng cho bạn trẻ không khác gì của Phố: “Nếu cuộc đời này suôn sẻ, nước mắt còn biết dành cho ai”.
Có điều không phải tác phẩm nào cũng được như thế, rất nhiều tác phẩm khác dù có cái tên rất kêu, rất ấn tượng nhưng lại mau chóng bị đào thải khỏi thị trường do nội dung dở hay tên sách một đằng, nội dung một nẻo. Nhiều tác giả, đơn vị làm sách đã lợi dụng việc đặt tên thật kêu để câu khách, bán sách… Tuy nhiên, cách làm này đang giảm dần do bạn đọc bây giờ cũng không dễ dàng chọn mua cuốn sách chỉ qua tên sách như trước. Tên sách ấn tượng để bạn đọc dễ nhớ như chất lượng nội dung tác phẩm mới là điều quan trọng để bạn đọc mở hầu bao mua cuốn sách.
TƯỜNG VY