Những thách thức với kế hoạch chấn hưng kinh tế của Mỹ

Trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều khó khăn, Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.700 tỷ USD có khả năng định hình lại nền kinh tế Mỹ trong 2 năm.

Tham vọng của Nhà Trắng

Tổng thống Joe Biden đã tạm ngừng kỳ nghỉ Đông một thời gian ngắn để đưa ra dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.700 tỷ USD có khả năng định hình lại nền kinh tế Mỹ trong 2 năm.

Theo New York Times, thử thách quan trọng mà ông Joe Biden phải đối mặt là làm cho tất cả các luật kinh tế mới của ông hoạt động như dự định. Phần lớn di sản kinh tế của ông Joe Biden sẽ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả mà chính phủ của ông phân bổ hàng ngàn tỷ USD chi tiêu và ưu đãi thuế có trong các dự luật kinh tế mà ông đã ký thành luật trong 2 năm đầu tiên tại vị.

Nhà Trắng đang cố gắng huy động USD để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của ông Joe Biden, như cung cấp Internet tốc độ cao cho mọi người trong nước, thay thế tất cả các đường ống dẫn nước uống, xây dựng mạng lưới cung cấp nước uống trên toàn quốc...

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp về kinh tế Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp về kinh tế Mỹ

Trong nhiều trường hợp, các quan chức Mỹ thực hiện các luật với số tiền ít hơn nhiều so với số tiền mà Tổng thống đề xuất ban đầu vì Nhà Trắng phải thỏa hiệp để giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Quốc hội.

Mặc dù vậy, ông Joe Biden nhấn mạnh những mặt tích cực với nền kinh tế Mỹ phục hồi kể từ khi ông nhậm chức chưa đầy một năm sau cuộc suy thoái do đại dịch. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh đến sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và cho rằng Mỹ có vị thế tốt hơn so với các quốc gia khác để chịu đựng bất kỳ khó khăn nào của nền kinh tế toàn cầu.

Ảnh hưởng dây chuyền

Tuy nhiên, giá tiêu dùng tăng nhanh, lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của ông Joe Biden trong năm 2023. Dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2023 khi Cục Dự trữ Liên bang cùng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế tốc độ lạm phát. Những mức tăng lãi suất đó, cùng với hậu quả tiếp tục của cuộc xung đột ở Ukraine, đe dọa một cuộc suy thoái lan rộng có thể ảnh hưởng lớn tới Mỹ.

Phát biểu trên truyền hình CBS News, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo: “Đối với hầu hết nền kinh tế thế giới, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn cả năm mà chúng ta vừa đi qua”. Một số nền kinh tế lớn, gồm cả Anh và một phần lục địa châu Âu, đã rơi vào suy thoái.

Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ bị giảm phát, ông Joe Biden rất có thể sẽ nhận liều thuốc đắng khi Quốc hội không sẵn sàng chi tiền để cố gắng vực dậy tăng trưởng như đã làm trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông. Bên cạnh đó, các quan chức Nhà Trắng thẳng thắn thừa nhận về những thách thức của những nỗ lực dài hạn như chuyển nước Mỹ ra khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Theo bà Heather Boushey, thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Joe Biden, quá trình nước Mỹ chuyển đổi sang năng lượng sạch rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải thay đổi lớn, đắt tiền từ vật dụng gia đình đến ô tô, thiết kế nhà cửa…

Ngay trong những ngày đầu năm 2023, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát nói rõ rằng họ muốn cắt giảm chi tiêu và phản đối việc tăng thuế. Ông Joe Biden đã chứng kiến ​​việc mất Hạ viện có thể ảnh hưởng như thế nào đến tham vọng kinh tế của tổng thống khi ông còn là phó tổng thống trong chính phủ của ông Obama - chứng kiến ​​phần lớn chương trình lập pháp của mình bị tàn lụi sau khi đảng Dân chủ mất đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010.

Tin cùng chuyên mục