Sắp xếp, đổi mới DNNN ở TPHCM

Những thành công bước đầu

Những thành công bước đầu

Một trong 12 công trình trọng điểm của TPHCM (nhiệm kỳ 2001-2005) là sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các DN sau khi thay đổi mô hình hoạt động đã gặt hái được những thành công ban đầu, tạo đà cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn ở TP.

  • Cổ phần hóa: doanh thu tăng 33 %
Những thành công bước đầu ảnh 1

Công ty cổ phần Chế biến lương thực Sài Gòn (SaFoco) sản xuất mì sợi, bánh tráng cung ứng thị trường Tết.Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Trần Ngọc Phượng, Phó trưởng Ban thường trực Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, đã tổng kết rằng: “Doanh nghiệp tại TPHCM sau khi CPH đều đạt hiệu quả rõ rệt trong sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp và người lao động hoàn toàn tự chủ trong cơ chế năng động, nâng cao hiệu quả SXKD…”.

Con số thực tế khảo sát tại 69 DN tại TPHCM đã CPH cho thấy doanh thu năm sau cao hơn năm trước tăng 33%, lợi nhuận tăng 177%, cổ tức cho cổ đông đạt 15% trong khi lợi nhuận trước thuế của DNNN chỉ đạt 9%. Đây là một con số nổi trội khá rõ đối với các DN sau khi CPH.

Hiệu quả của việc CPH các DN đã làm nguồn thu ngân sách nhà nước tăng 40% và thu nhập lao động tăng trên 24%. Tính ưu việt của DN CPH là đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.

Sau khi CPH, các DN được tiếp thêm nguồn vốn và vững vàng hơn trong cuộc cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu cả trong và ngoài nước. Hiện tại đã có 4 DN CPH với với số vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng.

“Dù hiệu quả mang lại trong quá trình chuyển đổi mô hình DNNN sang CPH chưa đạt như mong muốn nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận bước chuyển tiếp từ cơ chế quản lý hành chính sang cơ chế quản lý hiệu quả sử dụng đồng vốn. Từ đó, hình thành các mô hình công ty mẹ - công ty con và tiến đến những tập đoàn kinh tế lớn”- ông Phượng nói.

  • Công ty mẹ - công ty con: chủ động, hiệu quả!

Từ 432 DN năm 1997, khi hoàn thành sắp xếp đổi mới DN vào năm 2006, TPHCM sẽ chỉ còn là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước quản lý trực tiếp ở 17 tổng công ty (TCT) và công ty nhà nước (CTNN) là công ty mẹ, 28 DN kinh doanh chuyển sang công ty TNHH một thành viên là các công ty con. Hàng loạt DN công ích của TP cũng sẽ được sắp xếp lại.

Việc chuyển đổi các TCT và CTNN sang mô hình công ty mẹ - công ty con là chuyển biến về chất trong quản lý DN. Thay vì các mệnh lệnh hành chính như trước đây và cơ chế giao cấp vốn nay chuyển sang cơ chế đầu tư tài chính, tách bạch rõ pháp nhân CTNN và pháp nhân khác mà CTNN đầu tư vốn.

Các mối quan hệ khác căn cứ chủ yếu trên cơ sở tỷ lệ vốn đầu tư của chủ sở hữu vào DN khác, tạo nên một “sân chơi” mới bình đẳng, chủ động và hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Liksin, cho biết: “Riêng công ty mẹ Liksin doanh thu tăng 38% so với trước chưa chuyển đổi, thu nhập của người lao động tăng gần 8%. Công ty Liksin đã đầu tư trên 46% tổng nguồn vốn của mình, tức khoảng 323 tỷ đồng, vào các công ty con và đầu tư trên 126 tỷ đồng vào các công ty liên kết…”.

Công ty mẹ đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh ở các công ty con nên ở những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn chi phối thì hoàn toàn có quyền sáp nhập hoặc giải thể những đơn vị làm ăn không hiệu quả. Cơ chế này làm cho toàn bộ cỗ máy của mẹ và con đều nỗ lực vận hành và không chấp nhận sự ì ạch như cơ chế các DNNN trước đây.

Cùng với sự lớn mạnh của công ty mẹ, các công ty con cũng trưởng thành nhanh hơn trong cơ chế mới. Các công ty con của TCT Bến Thành, Địa ốc Sài Gòn… đều có cổ tức đạt 15%/năm là những thí dụ khá sinh động.

TPHCM hiện có 10 TCT và 7 công ty lớn đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình và đi vào hoạt động hiệu quả. Vốn bình quân của các công ty mẹ hơn 680 tỷ đồng, đã đầu tư vào 300 DN là các công ty con và các công ty liên kết.

Ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, khẳng định: “Mô hình công ty mẹ - công ty con đã phát huy được thế chủ động và nâng cao năng lực, hiệu quả SXKD. Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận chính thức đi vào hoạt động theo mô hình này từ 12-2004 nhưng đã có sự chuyển biến khá nổi trội. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của công ty đạt 89%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.291 tỷ đồng và lãi chia cùng lãi của các thành viên công ty là 378 tỷ đồng…”.

Một năm thí điểm hoạt động mô hình công ty mẹ - công ty con, TPHCM đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Điều dễ thấy là các đơn vị sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã trở nên vững vàng, tự tin và hiệu quả hơn. Đây cũng chính là những điều kiện cần thiết để TP tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp chuyển đổi các DN còn lại và mạnh dạn xúc tiến việc thành lập những tập đoàn kinh tế lớn.

LÊ PHONG

Tin cùng chuyên mục