Những thiên thần âm nhạc

Tại Học viện Âm nhạc quốc gia Afghanistan, học sinh từ gia đình giàu có và trẻ mồ côi cùng học âm nhạc dưới một mái nhà. Họ chơi vì nỗi đau, niềm hy vọng, niềm vui và nỗi buồn của mình...
Trong một phòng của Viện Âm nhạc quốc gia Afghanistan (ANIM), Zarifa Adeeb đang mê mải chơi violin. Cô gái trẻ người Afghanistan này từ lâu đã mơ trở thành một ca sĩ nhạc pop, nhưng cuối cùng cô phát hiện mình đam mê nhạc cổ điển. Zarifa được mang đi lánh nạn khi ở Pakistan và ở đó đến hơn 15 tuổi trước khi quyết định trở về quê hương. Zarifa Adeeb tập violin đã được hai năm nay. Trái tim cô tràn đầy hy vọng. Mới chỉ cách đây 10 năm thôi, việc này hoàn toàn bị cấm. 
75 bóng hồng 
ANIM được khánh thành vào năm 2010 bởi Ahmad Naser Sarmast, Tổng giám đốc hiện tại của học viện và cơ sở này là một phần của truyền thống giáo dục âm nhạc bị suy yếu do lịch sử. Với sự ra đời của Trường âm nhạc vào năm 1974, âm nhạc được xếp trong chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục. Trường học tiếp tục hoạt động đến năm 1988, nhưng đóng cửa trong thời gian chiến tranh và thời Taliban vì Taliban tuyên bố nó bất hợp pháp (Haram).
Sau đó, trường hoạt động lại dưới thời cựu tổng thống Hamid Karzai. Trong năm 2008, Ahmad Naser Sarmast đứng đầu một dự án gọi là “Tái thiết nhạc Afghanistan” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Hai năm sau, Trường âm nhạc trở thành ANIM và mở các khóa đào tạo nhạc cổ điển phương Tây, phương Đông. Vì Afghanistan là một trong những nước có di sản âm nhạc phong phú nhất trên thế giới, do ảnh hưởng đan xen của phương Đông và phương Tây nên các loại nhạc cụ như violon, viola, guitar, piano, kèn, sáo, và cả các nhạc cụ truyền thống của Afghanistan hay các nước Trung Đông như robab, ghichak, trống, tabla, qashqarcha, delroba đều được dạy cho sinh viên. 
Việc giảng dạy âm nhạc cho phụ nữ, bị cấm trong suốt thời gian dài, đã từng bước trở lại. Hiện nay, ANIM có 250 học viên, trong đó 75 học viên là nữ. Và họ đã tập hợp lại, thành lập dàn nhạc Zohra, dàn nhạc Afghanistan đầu tiên chỉ gồm toàn thành viên nữ. Dàn nhạc đi vào hoạt động năm 2014 và sự kiện đầu tiên của nó là buổi diễn tại Đại sứ quán Canada ở Kabul. 
Những thiên thần âm nhạc ảnh 1 Một buổi biểu diễn của dàn nhạc Zohra
Zarifa Adeeb kể: “Năm tôi đến đây, chúng tôi mới chỉ có năm cô gái. Chúng tôi muốn tổ chức một nhóm nhạc nữ vì năm đó ở Học viện, hội con trai đã thành lập các ban nhạc rock và pop. Nó giống như một cuộc cạnh tranh. Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra một nhóm hát. Dần dần, thêm nhiều cô gái khác gia nhập nhóm của chúng tôi. Lúc đó, từ một nhóm hát, ba tuần sau, ban nhạc trở thành dàn nhạc”.
“Ý tưởng cho dàn nhạc Zohra đến từ một cô gái tên Mina, cũng là sinh viên ở đây. Ý tưởng này được Tiến sĩ Naser Sarmast triển khai và ngày nay chúng tôi đều là nhân chứng cho sự thành công của dàn nhạc Zohra”, Mohammad Murad Sharkhush, người dạy qashqarcha, một nhạc cụ cổ của người Afghanistan cho biết. Anh nhớ lại rằng Mina đã học trumpet tại học viện và là một cô gái tài năng. Thật không may, giống như nhiều người khác, cô bị chi phối bởi các vấn đề gia đình và khi cô về quê, gia đình đã không cho cô quay lại Kabul.
Các nhạc công của dàn nhạc ở độ tuổi từ 12 đến 21 tuổi. Trong những năm gần đây, dàn nhạc Zohra đã tham gia nhiều chương trình khác nhau ở nước ngoài như Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ. “Một trong những thành công của chúng tôi là có thể cho thấy một hình ảnh tích cực về Afghanistan và văn hóa của đất nước đối với thế giới. Dàn nhạc này đã được một số quốc gia ủng hộ và còn được gọi là những Thiên thần âm nhạc “, một thành viên của ban nhạc cho biết.
Phân nửa sinh viên đến từ đường phố
Mỗi năm, từ 300 đến 400 thí sinh vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào Học viện, và chỉ có 50 người trong số đó được nhận. Phân nửa số ứng viên đến từ đường phố hoặc những trại trẻ mồ côi do các tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em ở Afghanistan giới thiệu. Ngoài Dàn nhạc Zohra, 11 nhóm khác đang hoạt động trong học viện.
Tại Học viện Âm nhạc quốc gia Afghanistan, học sinh từ gia đình giàu có và trẻ mồ côi cùng học âm nhạc dưới một mái nhà. Họ chơi vì nỗi đau, niềm hy vọng, niềm vui và nỗi buồn của mình, mong rằng một ngày nào đó sẽ thực hiện những giấc mơ thời thơ ấu. “Học viện Âm nhạc quốc gia của Afghanistan giống như một hòn đảo của hy vọng trong bóng tối. Nó là biểu tượng của Afghanistan trong tương lai”, Ahmad Naser Sarmast nói.

Tin cùng chuyên mục