Ở vùng phiên dậu hai nước Việt - Lào, địa hình đồi núi hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp muôn vàn khó khăn. 17 trạm xá quân dân y kết hợp do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tài trợ xây dựng và bàn giao đã góp phần hiện thực ước mơ bao đời đối với đồng bào các dân tộc nơi đây.
Bản nghèo vào hội
Biên giới Việt - Lào ở khu vực xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị ngày 20-2-2014 có cảm giác như vào hội. Giữa màn sương lạnh trên đỉnh Palin dõi mắt về phía 3 bản: Palin, A Sau và Kỳ Nơi - nơi có gần 100 nóc nhà của đồng bào Pa Kô sinh sống đều treo cờ tổ quốc tung bay phấp phới. Già làng và mọi người tay trong tay tung tăng đi dự lễ cắt băng khánh thành Trạm xá Quân dân y Palin. Đây là trạm xá quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị, tính đến thời điểm hiện nay, trên diện tích gần 250m², bao gồm các hạng mục: nhà giao ban, nhà ở của nhân viên y tế, bếp ăn, khu khám và điều trị bệnh nhân… Công trình trị giá 2 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị được giao làm chủ đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc là người con của bản Palin, không giấu nổi cảm xúc, đã òa khóc khi phát biểu tại lễ khánh thành trạm xá. Bà nói: “A Vao là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị với địa hình rừng núi cao, hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn... Đặc biệt, các bản Palin, A Sau và Kỳ Nơi có đến 95 hộ đồng bào dân tộc Pa Kô sinh sống, còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, thường xuyên ốm đau, bệnh tật và tỷ lệ đói nghèo cao. Trong khi, người bệnh từ các bản muốn về trạm xá ở trung tâm xã khám và điều trị phải đi bộ vượt qua 20km đường rừng âm u ngoằn ngoèo mới tới nơi, nên việc xây dựng Trạm xá Quân dân y Palin tại đây là cấp thiết, đáp ứng nguyện vọng bao đời không chỉ riêng đối với đồng bào ở đây mà cả những bản làng thuộc huyện Xa Muội, tỉnh Xalavan, nước bạn Lào”, bà Cúc chia sẻ.
Có trạm xá là hết bệnh
Đã gần trưa, Trạm xá Quân dân y xã Nhâm do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tài trợ khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 tại xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn đông người chờ khám bệnh. Chị Kăn Nhung, ở bản I Reo nước bạn Lào, đưa con đến khám chữa bệnh tại đây khoe túi thuốc vừa được các bác sĩ Việt Nam cấp miễn phí, phấn khởi: “Con mình hay bị viêm phổi và viêm họng, mỗi lần như thế đều được bác sĩ quân y cho thuốc là hết bệnh liền... Từ ngày có bác sĩ quân y về, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở biên giới Việt - Lào như đã hiểu ra một điều, không phải có bệnh thì cứ cúng Giàng là khỏi. Còn già làng Quỳnh Dờ, 75 tuổi, ở thôn Tà Kêu, xã Nhâm phấn khởi: “Có bác sĩ quân y về trạm xá là dân bản hết cái bệnh rồi!”.
Ngoài chức năng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, Trạm xá Quân dân y xã Nhâm còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách của Đảng đến với đồng bào các dân tộc. Anh Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, nói rằng: “Công việc của bác sĩ quân y khá bận rộn, ban ngày ở trạm thì lo công tác chuyên môn, tối đến lại tranh thủ đến từng nhà hướng dẫn đồng bào cách phòng bệnh, ngủ màn, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi... nên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế ở địa phương. Trình độ nhân viên y tế thôn bản cũng tiến bộ hẳn nhờ các bác sĩ tuyến trên thường xuyên về hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nhờ đó số lượng người bệnh chuyển lên tuyến trên đã giảm hẳn, trừ các trường hợp vượt khả năng hoặc cần hỗ trợ các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm, siêu âm, X-quang...”.
Đặc biệt, các bác sĩ quân y của trạm còn tổ chức các đợt huấn luyện, tuyên truyền cho hàng ngàn lượt người về 5 kỹ thuật cấp cứu chấn thương và chuyển thương; tuyên truyền cho người dân cách sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh, phòng chống HIV; tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; cấp thuốc phòng chống sốt rét; thực hiện các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng... Anh Cải cho biết thêm: “Bác sĩ quân y tăng cường đã cùng địa phương triển khai nhiều hoạt động cụ thể để đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế; giúp trạm y tế xã xây dựng vườn thuốc nam, sưu tầm cây thuốc, khám chữa bệnh BHYT cho người dân, học sinh. Qua đó, góp phần cùng địa phương hoàn thành tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Nhiều năm qua, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã tổ chức xây dựng 17 trạm xá tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An và Ninh Bình. Rõ ràng, sự xuất hiện các trạm xá quân dân y ở khu vực biên giới Việt - Lào mà người dân địa phương vẫn quen gọi là những trạm xá “lưỡng quốc” do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn thực hiện đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào sinh sống dọc biên giới giữa đại ngàn Trường Sơn. Đồng thời, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hai nước Việt - Lào anh em, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
VĂN THẮNG