Nhượng quyền thương hiệu phát triển mạnh

Thương hiệu ngoại áp đảo
Nhượng quyền thương hiệu phát triển mạnh

Từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 130 thương vụ nhượng quyền thương hiệu đã được cấp phép tại Việt Nam. Đây cũng là năm có số thương vụ nhượng quyền lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều đáng nói là trong số các thương vụ nhượng quyền thương hiệu, người đóng vai trò chủ động, áp đảo vẫn là doanh nghiệp (DN) ngoại.

Mua sắm tại siêu thị Lotte tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thương hiệu ngoại áp đảo

Trong 8 năm qua, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đã cấp phép cho 148 thương hiệu, nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam (VN). Riêng năm 2015, đã có 130 thương vụ nhượng quyền thương mại (NQTM). Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,7%), bao gồm 42 thương hiệu thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống... Kế đến là thời trang chiếm 19,3% với 19 thương hiệu; giáo dục đào tạo là 14,1% với 17 thương hiệu; cửa hàng tiện lợi 2,2% với 3 thương hiệu...

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh TPHCM, sở dĩ trong năm 2015 các hoạt động NQTM trở nên sôi nổi hơn do làn sóng đầu tư ồ ạt của các DN ngoại để tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại. Tuy nhiên, khác với đầu tư sản xuất, các DN trong lĩnh vực dịch vụ ưu tiên chọn hình thức chuyển nhượng thương hiệu. Điều này được nhìn nhận rõ nhất thông qua hoạt động đầu tư của DN Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc đã trở thành nước đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN, với tổng số 4.459 dự án, trị giá 3,9 tỷ USD vốn đăng ký. Các DN Hàn Quốc đã đóng góp 25% tổng giá trị xuất khẩu của VN. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có mặt tại VN như Tập đoàn Lotte, Samsung, Hyundai, LG… kéo theo hàng loạt DN vệ tinh khác. Thương mại hai chiều của hai nước đã đạt mức 30 tỷ USD và sẽ phấn đấu đạt mức 70 tỷ USD năm 2020. Hàng loạt thương hiệu Hàn Quốc đã đến VN như Lotteria, CJ Foodville, Genesis, Holly, F&B, Caffe Bene, Tous Les Jours, Paris Baguette, BBQ Chicken… Trong thời gian tới, hai lĩnh vực được dự kiến sẽ tiếp tục đổ mạnh vào VN thông qua các hoạt động xúc tiến NQTM là lĩnh vực ẩm thực và làm đẹp.

Doanh nghiệp nội vẫn bị động

Đánh giá về tiềm năng của thị trường VN trong lĩnh vực chuyển nhượng thương hiệu, nhiều ý kiến khẳng định tiềm năng rất lớn. Bởi VN có dân số tương đối trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng và thích làm quen với sản phẩm mới. Lối sống theo đó cũng trở nên hiện đại và mở hơn. Đại diện Công ty TNHH Dáng Ngọc khẳng định, thay vì khởi nghiệp đầu tư từ đầu, phải tìm hiểu và xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng, thì việc kinh doanh thông qua chuyển nhượng thương hiệu sẽ giúp rút ngắn thời gian đầu tư cơ sở vật chất cũng như phát triển thương hiệu. Mặt khác, khả năng sinh lợi nhanh và đặc biệt là giảm rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số các thương vụ chuyển nhượng thương hiệu, phần lớn DN VN phải mua lại thương hiệu nước ngoài. Còn thương hiệu của VN chuyển nhượng rất ít. Cho đến nay, số thương hiệu VN chuyển nhượng được cho các công ty nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay như như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24…

Điều này cũng giải thích cho việc tại sao sản phẩm của VN chủ yếu xuất khẩu thô hoặc xuất khẩu thông qua thương hiệu của nước khác. Một ngành hàng vốn được xem là thế mạnh và có kim ngạch xuất khẩu nằm trong tốp đầu của VN là thủy, hải sản. DN sản xuất trong lĩnh vực này có công nghệ sản xuất hiện đại nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển thương hiệu đạt đến một đẳng cấp nhất định để chuyển nhượng, thì chưa có DN nào làm được.

Trong bối cảnh VN hội nhập các hiệp định thương mại, chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn các DN ngoại đầu tư. Kéo theo đó là làn sóng chuyển nhượng thương hiệu sẽ tăng mạnh. Vấn đề còn lại là đã đến lúc DN VN cần chủ động đầu tư phát triển thương hiệu để không chỉ trụ vững trên sân nhà, mà còn có thể vươn rộng ra thị trường thế giới.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục