Ở TPHCM, bò sữa được người Việt gốc Ấn nuôi khá lâu, nhưng nuôi bò để bán sữa chỉ hình thành từ thập niên 80, khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiêu thụ sữa bò được các hộ dân vắt hàng ngày và từ đó phát triển thành vùng nguyên liệu sữa bò. Có thể nói, TPHCM trở thành cái nôi của chăn nuôi bò sữa dạng hộ lẻ, từ đó phát triển ra các vùng miền của cả nước.
Cũng giống như các nước đang phát triển khác đàn bò sữa Việt Nam hình thành đầu tiên từ đô thị, nơi có lợi thế về thị trường tiêu thụ và nhà máy chế biến. Bò sữa tại TPHCM đã được nuôi ở các hộ dân gần nhà máy như quận Tân Bình, Gò Vấp và huyện Thủ Đức (khi chưa tách quận). Lợi nhuận lúc đó rất cao 30%-40% và sản lượng được bao tiêu, nên bò sữa một thời được xem là vật nuôi góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp TP.
Mỗi hộ chỉ cần nuôi vài con đã có thu nhập ổn định, không như nhiều loại nông sản khác cứ được mùa mất giá. Do vậy, chăn nuôi bò sữa có tốc độ phát triển nhanh ở TPHCM, bình quân 15%/năm, giai đoạn 2000 - 2003 gần 20%. Bò sữa trở thành điển hình của sự liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp) làm cơ sở để ra đời Quyết định 167 năm 2001 về chương trình phát triển bò sữa của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình phát triển đàn bò sữa của TPHCM được nhân rộng ra 20 tỉnh thành khác như Cần Thơ, An Giang, Bình Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc… Năm 2005, đàn bò sữa TPHCM vượt qua cột mốc 50.000 con, đạt kế hoạch TPHCM đề ra.
Nhưng cũng từ thời điểm đó, ngành chăn nuôi bò sữa TPHCM bộc lộ những bất cập, khi người nuôi hầu hết đều phải mua từ cỏ xanh, phụ phẩm nông nghiệp (xác bã mì, kể cả hèm bia…) đến thuê vắt sữa, từ đó hình thành đội quân vắt sữa thuê hùng hậu. Đến nay vẫn còn khá nhiều hộ nuôi ở Hóc Môn, quận 12 thuê vắt. Do mất cân đối trầm trọng diện tích đồng cỏ so với số lượng đàn bò nên lợi nhuận của người nuôi bò sữa giảm dần, có lúc không còn lời, chi phí thức ăn tăng mạnh, giá thành sữa bò nhiều lúc cao hơn giá bán sữa.
Để nâng cao sản lượng sữa đòi hỏi không chỉ cung cấp đảm bảo thức ăn mà cần cả con giống tốt (bò lai F2, F3 và nhất là bò thuần HF), đòi hỏi tay nghề phải cao, có chuyên môn… nên kén người nuôi. Giờ đây, khi chi phí và giá thành người nuôi vùng đô thị hóa cao hơn vùng nông thôn, nhiều hộ nuôi bò sữa TP đã đưa đàn bò đến các tỉnh xung quanh như Bình Dương. Điều này ngành nông nghiệp TP hiểu rõ hơn ai hết và xác định về lâu dài, niềm tự hào của TP giờ đây là lai tạo thành công giống bò HF từ những nguồn gen nhập, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Từ đó cung cấp các nơi, giúp nâng cao chất lượng và năng suất sữa của đàn bò. Đó là niềm tự hào mới của ngành nông nghiệp TP.
ĐĂNG LÃM