Đại diện Ban Chương trình Xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng vừa cùng đoàn công tác thiện nguyện Đoàn TNCS Trung tâm Y tế dự phòng quận 6 về thăm, tổ chức vui chơi và tặng quà 400 học sinh mẫu giáo, tiểu học ở xã Đại Phước (thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh).
Mang niềm vui đến trẻ em nghèo
Vượt hơn 100 cây số từ TPHCM đến trung tâm huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) bằng chiếc xe thùng chở quân mượn của một đơn vị quân đội, các bạn đoàn viên thanh niên Trung tâm Y tế dự phòng quận 6 vẫn không thấy mệt mỏi. Có lẽ đây là ngày chủ nhật ý nghĩa, các bạn tham gia chuyến thiện nguyện mang niềm vui đến trẻ em nghèo vùng sông nước Nam bộ.
Các em nhỏ ở xã Đại Phước nhận quà của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng
Sắp xếp lại số quà tặng gồm tập viết, bánh Trung thu, sữa hộp, xúc xích, lồng đèn… với tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng, vận động từ các đơn vị, nhà hảo tâm (trong đó bạn đọc Báo SGGP tặng 2.500 cuốn tập, trị giá 10 triệu đồng), toàn đoàn vượt qua cầu Cổ Chiên vừa mới xây dựng quy mô thuộc hàng hoành tráng nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long để về xã Đại Phước (Càng Long).
Chưa đến giờ hẹn phát quà, nhưng trong sân Trường Tiểu học Đại Phước A, các em nhỏ đã tập hợp đông đủ. Các thầy cô giáo cùng các bạn đoàn viên thanh niên nhanh chóng cùng các em bày trò chơi vận động... Nghe tin đoàn tổ chức cuộc vui và tặng quà các em nhỏ, rất đông phụ huynh cũng háo hức có mặt sớm ở sân trường để nhìn con em mình vui chơi, ca hát. Ông Nguyễn Hoàng Đang, Bí thư Đảng ủy xã Đại Phước, xúc động: “Nói thiệt với nhà báo, mấy chục năm rồi, các cháu thiếu nhi ở xã mới có được một mùa Trung thu vui như thế này. Lâu nay, xã cũng rất muốn tổ chức cho các cháu nhưng không vận động được kinh phí nên đành chịu”. Rồi ông cười vui, nói với sự hy vọng: “Toàn xã có 11 ấp với 2.177 hộ dân, 10.265 nhân khẩu. Cả xã chỉ có 2 cơ sở kinh doanh, có đóng thuế nhà nước, còn lại 90% làm nông, sống đắp đổi qua ngày. Khi chưa có cầu Cổ Chiên, xã như một ốc đảo, bốn bề sông nước. Nay, nhà nước đã cho xây cầu, nối liền 2 bờ Mỏ Cày Nam (Bến Tre) và Càng Long (Trà Vinh). Điều kiện đi lại thuận lợi, hy vọng kinh tế địa phương sẽ có cơ hội phát triển”.
Nụ cười hạnh phúc
400 học sinh tiểu học và mẫu giáo của xã lần lượt hào hứng nhận quà Trung thu và rước đèn vòng quanh sân trường. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 6 tâm sự: “Cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của trẻ em nghèo địa phương là mục đích của chuyến thiện nguyện này. Chương trình mong muốn mang đến trẻ em xã Đại Phước nhiều niềm vui trong đêm Trung thu, để vơi đi những khó khăn cuộc sống đời thường”. Em Nguyễn Thị Thúy, học sinh lớp 5, ở ấp Trà Gút, ôm chặt chiếc lồng đèn ông sao, một tay xách túi quà đi tới đi lui, miệng chúm chím cười nói: “Từ hồi nào đến giờ, con mới có được nhiều quà đẹp như này. Con không dám đốt đèn vì sợ hư. Tối nay về con sẽ treo chiếc lồng đèn này giữa nhà, để ngày nào cũng được nhìn ngắm nó”.
Thầy Lê Tuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Phước A, cho biết: “Cả xã có 11 ấp, nhưng trường chỉ nhận học sinh ở 6 ấp lân cận là Long Hòa, Trà Gút, Trà Gật, Rạch Dừa, Rạch Sen và Nhị Hòa. Phần đông các em học sinh thuộc gia đình nghèo, chủ yếu sống bằng nghề nông. Để có được một buổi vui chơi như thế này là điều ước ao của nhà trường. Chúng tôi mong sẽ có nhiều tổ chức, đơn vị thiện nguyện về địa phương tạo thêm nhiều sân chơi hơn nữa, để cải thiện phần nào sự thiếu thốn về đời sống tinh thần cho các em”.
Gần 6 giờ chiều, màn đêm dần buông xuống. Trời bỗng chuyển mưa. Chương trình phải gián đoạn. Nhiều em nấn ná không chịu về vì nuối tiếc cuộc vui. Các thành viên trong đoàn tự an ủi mình, dù gì từ chiều giờ các em nhỏ cũng đã đầy ắp tiếng cười và niềm vui được tặng quà. Tối nay, trong giấc ngủ các em sẽ có được giấc mơ đẹp, bay bổng bao khát khao… Và, mọi người chợt vui hơn khi nhớ lại sự rạng rỡ trên khuôn mặt từng em nhỏ giữa sân trường. Yêu thương lắm, những tiếng cười hạnh phúc bên bờ Cổ Chiên!
KIỀU PHAN