Nỗ lực cứu di tích lịch sử ở miền Trung

Lịch sử đã để lại cho dải đất miền Trung bề dày văn hóa với số lượng di tích đồ sộ. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hầu hết các di tích khu vực này đều xuống cấp. 

Nguy cơ đổ gãy

Hầu như các di tích ở Hà Tĩnh đều có niên đại hàng trăm năm tuổi, 50% trong số 1.800 di tích của tỉnh hiện đang xuống cấp. Tại xã Phú Gia (huyện Hương Khê), Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tuân đưa chúng tôi đến Khu di tích quốc gia Đền Công Đồng rộng 1.400m2. Giữa tòa nhà trung điện với hàng loạt hạng mục đổ gãy, mục nát, ông Tuân chua xót nói: “Nếu không kịp thời trùng tu thì có nguy cơ sụp đổ, nhất là vào mùa mưa bão”.

Mái đền trung điện Di tích quốc gia Đền Công Đồng bị mục gãy. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Di tích quốc gia đình Hội Thống (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân), mái ngói hạ điện đang võng xuống, thấm dột, nhiều phần gỗ mái bị mối mọt, mục nát và nhà bia cố Hậu (hạng mục quan trọng của đình) bị nứt toác, tường gạch nhiều nơi bị đổ sập. Tại di tích cấp tỉnh đình làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc), nhiều hạng mục cũng bị hư hại nặng.


Tương tự, tại các cụm di tích lịch sử ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng xuống cấp, mòn mỏi chờ kinh phí tôn tạo, phục hồi. Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ rộng 10km2, nhưng có số lượng di tích, danh thắng lên đến con số 56. Tuy vậy, hiện nhiều di tích ở Lý Sơn đang bị hư hại, nặng nhất là di tích đình làng An Hải, di tích quốc gia nhà tiền hiền lục tộc nằm trong quần thể đình làng An Vĩnh…

Riêng tỉnh Bình Định, vài năm trở lại đây, câu chuyện quản lý, ứng xử với di tích của địa phương đang gặp nhiều vấn đề. Nổi cộm như: Di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả bị các doanh nghiệp khai thác đất, đá lấn chiếm; Di tích lịch sử Chiến thắng Đệ Đức bị biến thành bãi tập kết cát; khu vực Di tích danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng bị xây dựng công trình trái phép; cụm Di tích quốc gia lò gốm Chăm cổ Gò Sành hay Di tích khảo cổ học quốc gia Thành Cha bị người dân lấn chiếm, chăn nuôi, canh tác… 

Theo ghi nhận, tại Di tích quốc gia Thành Hoàng Đế, nhiều hạng mục, cụm di tích đang trở thành phế tích, nằm rời rạc, hoang hóa. Còn di tích Trường Lũy vẫn đang kéo dài chuỗi ngày tranh chấp, chưa tìm được sự thống nhất giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Di tích quốc gia mộ Đào Tấn (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) nhiều hạng mục đang xuống cấp; khu lăng mộ nằm cheo leo đỉnh núi, nguy cơ sạt lở rất cao.

Cần giải pháp bền vững

Qua trao đổi với các lãnh đạo, cấp xã, huyện, đa số các địa phương cũng đang rất lúng túng. Hàng năm, dù cấp tỉnh, huyện đã rót kinh phí để trùng tu nhưng nguồn kinh phí rất eo hẹp, nhỏ giọt khiến việc đầu tư chắp vá, tốn kém mà hiệu quả không cao. Ông Võ Văn Trình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho hay, kinh phí để trùng tu đền Công Đồng lên đến  hàng tỷ đồng, huyện thì “lực bất tòng tâm”. 

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chia sẻ, các di tích, di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên như là linh hồn của hòn đảo và là chỗ dựa tinh thần của người dân. Vì thế, trong ứng xử của người dân trên đảo với các di tích, di sản đều rất tôn trọng, gìn giữ. Nhờ vậy, khi du lịch trên đảo phát triển mạnh thì khối lượng di sản đóng góp rất lớn cho địa phương, giúp đời sống người dân cải thiện đáng kể. Tuy vậy, hiện các di tích trên đảo đang bắt đầu xuống cấp, kinh phí tôn tạo rất lớn, huyện còn nghèo không thể gánh vác được. 

Đề cập câu chuyện quản lý, phát huy các di tích, ông Lê Bá Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng, do kinh phí đầu tư di tích eo hẹp, địa phương nào cũng kiến nghị hàng trăm, ngàn tỷ đồng để trùng tu tôn tạo, rất khó để được đáp ứng. Vì thế, các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn đề xuất đầu tư có điểm nhấn hơn, không nên dàn trải kiểu chắp vá. “Cần chú trọng, phát triển đội ngũ làm công tác di sản, văn hóa có trình độ chuyên môn để quản lý, phát huy di tích. Nếu giao cho người thiếu chuyên môn thì sẽ làm di tích dần mai một”, ông Hạnh nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo tồn, phát huy các di tích, di sản miền Trung, cần thiết phải liên kết với phát triển du lịch, kêu gọi nguồn xã hội hóa trong việc khai thác các di tích, di sản. Đặc biệt, cần trả di tích về với cộng đồng theo chức năng phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân bản địa. “Mỗi di tích, di sản đều có số phận đặc biệt, nó gắn liền với mỗi cộng đồng, vùng đất đó. Chỉ khi trở về với cộng đồng, các di tích mới tiếp tục được phát huy giá trị xuyên suốt, sống động hơn”, một chuyên gia văn hóa tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Tin cùng chuyên mục