Nỗ lực điều tiết giá hỗ trợ người dân

Sở Tài chính TPHCM vừa công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023, chính thức áp dụng từ ngày 2-4. Ngoài một số mặt hàng (trứng gia cầm, thịt gia cầm các loại) tăng giá bán, thì nhóm hàng gạo, thịt heo, trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19… vẫn giữ giá ổn định so với chương trình bình ổn thị trường năm 2021.
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại hệ thống MM Mega Market Hiệp Phú (quận 12, TPHCM) trưa 1-4
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại hệ thống MM Mega Market Hiệp Phú (quận 12, TPHCM) trưa 1-4

Hồi hộp tăng giá, lo sức mua yếu

Ngày 1-4, một số mặt hàng như trứng, thịt gia cầm tham gia chương trình bình ổn giá của TPHCM đã chính thức tăng giá từ 5%-10% như đã thông báo mấy ngày trước.

Ghi nhận của PV Báo SGGP, giá trứng gia cầm bán tại siêu thị, cửa hàng có tham gia bình ổn đã tăng tương ứng với mức trên: 29.500 đồng/chục trứng gà; 35.000 đồng/chục trứng vịt, 90.000 đồng/kg thịt gà ta, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg, thịt vịt 68.000 đồng/kg…

Ghi nhanh tại một số cửa hàng nhỏ, chợ tự phát ở huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp…, các mặt hàng trứng gia cầm, thịt gà ta các loại bán tại đây cũng tăng giá theo, mức tăng cao hơn từ 3.000-7.000 đồng/sản phẩm so với hàng bình ổn. Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, mà trái cây tươi, dầu ăn, thịt, cá… ở chợ lẻ, điểm bán tự phát cũng tăng mạnh.

Chẳng hạn, cam, quýt, xoài lần lượt tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy mặt hàng, như: 30.000 đồng/kg cam sành (tăng khoảng 5.000 đồng/kg), 30.000 đồng/kg xoài cát chu (tăng khoảng 5.000 đồng/kg), quýt khoảng 65.000 đồng/kg (tăng khoảng 8.000 đồng/kg). Nếu so sánh các mặt hàng cùng chủng loại tại một số siêu thị, giá bán trên đang cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg tùy loại.

Bà Nguyễn Thị Hai, chủ tiệm tạp hóa trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết, vài ngày nay, nhiều mặt hàng tăng giá mạnh, khiến sức mua kém hẳn so với 2 tuần trước. “Người tiêu dùng nâng lên đặt xuống, cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua chai dầu ăn, chục trứng gà… Họ dò giá để xem nên mua ở tiệm tạp hóa hay ra siêu thị”, bà Hai nói.

Chung tay “hạ nhiệt” giá cả

Đại diện MM Mega Market Việt Nam, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho hay, đơn vị tiếp tục thương lượng với các nhà cung cấp để có được mức giá phù hợp; đồng thời trợ giá cho người mua thông qua việc giảm biên độ lợi nhuận, tăng cường khuyến mãi để tăng mãi lực.

Trung tâm MM Mega Market Việt Nam đang chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá “sâu” đối với nhóm mặt hàng thủy hải sản, mỹ phẩm...  Mức giảm giá cao nhất lên tới 50%. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của hệ thống Co.opmart, Co.opXtra; siêu thị GO!, Big C và Tops Market… cũng có các động thái tương tự.

Nỗ lực điều tiết giá hỗ trợ người dân ảnh 1 Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại hệ thống MM Mega Market Hiệp Phú (quận 12, TPHCM) trưa 1-4. Ảnh: THI HỒNG

Có một thực tế, hiện tại chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp đã tăng từ 20%-30%, nên việc điều chỉnh tăng giá bán là điều phải làm để bù đắp phần nào giúp doanh nghiệp tái sản xuất, duy trì hoạt động. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực chung tay cùng TPHCM bình ổn giá, hỗ trợ người mua hàng.

Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, doanh nghiệp cố gắng san sẻ khó khăn với người mua bằng cách tăng trọng lượng trứng gà bình ổn lên 65g/trứng thay vì 60g/trứng như trước đây. “Giá bán trứng theo chương trình bình ổn chỉ tăng khoảng 5%, trong khi chi phí đầu vào tăng hơn 20%, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để hỗ trợ người tiêu dùng”, ông Phạm Thanh Hùng cho biết.

Tương tự, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng khẳng định giữ ổn định giá thịt heo trong chương trình bình ổn để kích cầu tiêu thụ, dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 10%. Nhóm mặt hàng thịt heo bình ổn bán giá 104.000 đồng/kg thịt đùi, 130.000 đồng/kg thịt vai, 125.000 đồng/kg cốt lết... Mặt hàng dầu ăn Nakydaco ở mức 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít, 202.500 đồng/can 5 lít; dầu ăn Cooking 40.300 đồng/lít…

Với nhóm hàng gạo trắng thường không bao bì 5% tấm ở mức 14.500 đồng/kg, 15.500 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg), gạo Jasmine 15.500 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg). Mức giá này được giữ nguyên so với giá bình ổn năm 2021. Đối với nhóm sản phẩm sữa, hiện có 4 doanh nghiệp (Vinamilk, Nutifood, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, chuỗi thực phẩm TH) nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá cho dòng sữa bột và sữa nước.

Song song đó, nhóm mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19, hàng dược phẩm thiết yếu; mặt hàng phục vụ mùa khai trường 2022 và Tết Quý mão 2023… cũng cam kết bình ổn giá. Trong đó, mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn được bán giá thấp hơn thị trường từ 3%-15% tùy loại; nhóm tập vở học sinh giảm từ 10%-28% so với giá thị trường, nhóm dụng cụ học tập giảm từ 10%-17%…

Tính đến hết ngày 31-3, có 34 doanh nghiệp đăng ký tham gia phân phối sản phẩm trong chương trình bình ổn thị trường 2022-2023 trên địa bàn TPHCM. Sở Tài chính TPHCM cho biết, tiêu chí xét duyệt giá đối với doanh nghiệp đó là “giá bán các sản phẩm trong chương trình phải đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5%-10%”.

Sở Tài chính TPHCM nhận định, trong năm nay có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động tới giá cả hàng hóa. Thực tế một số mặt hàng tham gia chương trình bình ổn đủ điều kiện tăng giá, nhưng để ủng hộ và chia sẻ cùng người tiêu dùng, doanh nghiệp cố gắng giữ giá, chấp nhận giảm lợi nhuận, đồng hành cùng người mua.

“Đây là một nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và điều này rất đáng trân quý”, lãnh đạo Sở Tài chính cho hay.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán đúng giá niêm yết



Chiều 1-4, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng liên ngành kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương kinh doanh tại một số chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM.

Song song đó, Cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh nắm tình hình tại địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Thống kê nhanh trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã xử phạt 168 vụ vi phạm với tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 14 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục