Một lần nữa, các đoàn đại biểu của hơn 170 quốc gia giàu, nghèo, giữa giàu và nghèo ngồi lại với nhau để tiếp tục bàn thảo những biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên.
Trong khi Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan (từ 3 đến 8-4) thì miền Nam nước này đang ngập chìm trong lũ lụt giữa mùa khô, khiến 41 người thiệt mạng, khoảng 1 triệu người và hơn 500 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Theo Phó Trưởng đoàn đàm phán Thái Lan, Tiến sĩ Sangchan Limjirakan, biến đổi khí hậu toàn cầu đã góp phần gây ra tình trạng lũ lụt chưa từng thấy với lượng mưa trút xuống miền Nam Thái Lan trong 4 tháng qua là 2.200mm, so với 2.700mm của cả năm trước.
Kể từ hội nghị về biến đổi khí hậu ở Mexico vào cuối năm ngoái cho đến hội nghị lần này, vẫn chưa có một kế hoạch nào có thể đáp ứng mục tiêu “giữ nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng thêm không quá 2°C” mà các nước đã cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo LHQ, số tiền các quốc gia cam kết đóng góp đến nay chỉ bằng 60% so với yêu cầu của giới khoa học để có được một cơ hội trung bình nhằm giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2°C. Thậm chí ngay cả khi các nước đều giảm khí thải theo “mục tiêu 2°C”, nhiệt độ của Trái đất vẫn sẽ leo lên một “mức độ hủy diệt khác”.
Cũng như những hội nghị trước, việc tìm kiếm một nghị định thư mới thay thế Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hiệu lực vào năm sau), bất đồng về mức đóng góp giữa các nước giàu và nghèo… vẫn là những vấn đề chính, song được dự báo khó có thể đạt được sự nhất trí chung. Tại hội nghị vào tháng 12 năm ngoái ở Mexico, các nước giàu đã đồng ý đóng góp 100 tỷ USD giúp các nước nghèo đối phó với nhiệt độ Trái đất tăng lên. Nhưng tới nay, họ vẫn chưa quyết định số tiền trên sẽ được quyên góp từ đâu. Các nước nghèo, kém phát triển cho rằng họ phải gánh chịu hậu quả của nhiệt độ tăng cao dù họ ít thải chất thải ra môi trường nhất. Họ muốn những nước giàu gây ô nhiễm nặng phải bù đắp những tổn thất mà họ đang gánh chịu, như lũ lụt gây mất mùa. Một trận bão mạnh trái mùa đã tràn vào Bangladesh ngày 4-4, làm ít nhất 12 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy.
Tại Myanmar, 682 ngư dân vẫn bị mất tích sau khi cơn bão trái mùa kéo dài 3 ngày qua đổ xuống vùng biển Andaman, làm đắm nhiều tàu thuyền đánh cá, cuốn ra biển hàng ngàn ngư dân… Trong khi đó Mỹ, dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có lượng khí thải tính theo đầu người vẫn không chịu ký Nghị định thư Kyoto dù nó đã sắp hết hiệu lực. Trung Quốc, nước phát khí thải lớn nhất thế giới lại được quyền miễn trừ vì là “nước đang phát triển”.
Nhiều tổ chức môi trường đã hối thúc các đoàn đại biểu phải đồng thuận cho một “phiên bản mới của Kyoto” tốt hơn và lớn hơn, nhưng phải có hiệu lực pháp lý ràng buộc các nước gây ô nhiễm đối với lời hứa của họ. Tuy nhiên, theo nhận định của người đứng đầu Cơ quan Khí hậu LHQ Christiana Figueres: “Kẽ hở trong phiên bản Kyoto mới có vẻ không thể tránh được”.
Một lần nữa, bất chấp ngày càng nhiều tiên đoán về một tương lai không tươi sáng của hành tinh, cái đích của con đường đi tìm giải pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu càng xa.
Hạnh Chi