Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 3 năm 2016 sắp diễn ra. Người TPHCM tiên phong lưu giữ, tôn vinh, quảng bá hình ảnh đẹp của chiếc áo dài truyền thống ra bạn bè thế giới như một bản sắc văn hóa Việt đáng tự hào.
Bảo tàng và lễ hội áo dài đầu tiên
Có khoảng thời gian, chiếc áo dài của phụ nữ ít xuất hiện trong đời sống, ngoài những dịp lễ lạt cưới xin. Đến cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, chiếc áo dài mới xuất hiện trở lại, sau đó trở thành đồng phục cho nữ sinh trong nhà trường.
Đầu xuân năm 2014, sau 10 năm sưu tập và thiết kế thời trang, họa sĩ Sĩ Hoàng đã chính thức khai trương Bảo tàng Áo dài tại 206/19/30 Long Thuận, quận 9, TPHCM. Đây là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam về trang phục áo dài truyền thống, tập hợp 500 hiện vật và hơn 3.000 bức ảnh mà Sĩ Hoàng cùng các cộng sự đã dày công sưu tầm.
Tại bảo tàng độc đáo này có những mẫu áo dài tứ thân từ thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18 cho tới áo dài hiện đại do họa sĩ Cát Tường thiết kế đầu thập niên 1930, áo dài hở cổ thập niên 1950, áo dài hippy ở Sài Gòn thập niên 1960… Đặc biệt, người xem còn bất ngờ trước những chiếc áo dài mang dấu ấn lịch sử, gắn liền với sự nghiệp của những nhân vật nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định, Tôn Nữ Thị Ninh, Phùng Há, Kim Cương... Dù còn những tranh luận khác nhau về quan niệm áo dài trong bộ sưu tập của bảo tàng, nhưng rõ ràng đây là nỗ lực đáng ghi nhận của hoạ sĩ Sĩ Hoàng trong việc tái hiện vẻ đẹp một trang phục truyền thống Việt qua những thời kỳ khác nhau. Đây là không gian thẩm mỹ, một địa chỉ văn hóa cần đến của thành phố này.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Bảo tàng Áo dài đầu tiên do Sĩ Hoàng thực hiện được khai trương thì Lễ hội Áo dài TPHCM đầu tiên do chính quyền thành phố tổ chức cũng đã khai mạc tại Khu du lịch Đầm Sen đúng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-2014. Lễ hội đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến khám phá, chiêm ngưỡng, nhất là chị em phái đẹp thích diện áo dài.
Áo dài xuống phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lễ hội Áo dài TPHCM đã quảng bá hình ảnh mỹ thuật, duyên dáng của tà áo dài truyền thống kết hợp những đường nét cách tân hài hòa với nhịp sống hiện đại mà phụ nữ Việt mặc nơi công cộng, công sở hay trong các lễ hội, nghi lễ tôn giáo... Một phần lịch sử đời sống văn hóa Việt Nam đã được tái hiện thú vị và sinh động.
Từ sự hình thành của Lễ hội Áo dài, người TPHCM cũng hy vọng có thêm một tên gọi thật trìu mến và lãng mạn cho nơi mình đang sống: Thành phố áo dài!
Đẩy lùi những biểu hiện phản cảm
Kế thừa những chiếc áo truyền thống qua các thời kỳ lịch sử trang phục xa xưa của người Việt như yếm, áo gấm, áo tứ thân, áo ngũ thân, áo bà ba… đến đầu thập niên 1930, hoạ sĩ Cát Tường (Lemur Cát Tường) đã cách tân, thiết kế căn bản chiếc áo dài hiện đại, được nhóm Tự Lực văn đoàn và danh họa Lê Phổ hưởng ứng, khuyến khích.
Trên tờ Phong Hóa (số ra ngày 23-2-1934) và cả trên tuần Báo Ngày Nay (ngày 13-11-1936), đã đăng tải bài “Y phục phụ nữ” của hoạ sĩ Cát Tường được xem như “tuyên ngôn” về sự cách tân trang phục Việt, đặc biệt là áo dài cho phụ nữ, trong đó có đoạn đáng chú ý: “Bộ áo của các bạn gái rồi đây phải ra thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân mình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật, lịch sự. Nhưng dù thế nào nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi lầm các bạn với phụ nữ nước ngoài…”.
Tuy nhiên trong lúc người TPHCM tiên phong với Lễ hội Áo dài và Bảo tàng Áo dài, đang cố gắng tiếp tục quảng bá hình ảnh đẹp của chiếc áo dài truyền thống ra bạn bè thế giới như một bản sắc văn hóa đáng tự hào của dân tộc, lại xuất hiện những hình ảnh phản cảm về áo dài do một số người kém hiểu biết gây ra. Nhiều cô gái đã chọn những loại vải trắng quá mỏng để may trang phục, khi mặc lại không chú ý đến những đồ nội y màu mè đầy chi tiết “gân cốt” bó sát cơ thể. Có bạn đùa giỡn không đúng mực với tà áo dài mình đang mặc. Có bạn còn chụp tung lên mạng khoe khoang những hình ảnh không đẹp để gây sốc với tà áo dài.
Ngoài những thiếu nữ bồng bột ở tuổi mới lớn thì đáng trách hơn có không ít hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, nhà thiết kế, nhà nhiếp ảnh… vốn được xem là “người của công chúng” đã vô tình hay cố ý bôi bẩn hình ảnh chiếc áo dài và hình ảnh chính họ qua những lý lẽ “cách điệu”, “cách tân”. Điều mà họ muốn được nổi tiếng ấy đã trở thành… tai tiếng!
So sánh cách đây gần một thế kỷ với những mẫu áo dài ban đầu của các họa sĩ thiết kế tài danh Cát Tường, Lê Phổ thì rõ ràng ngày nay đã có những mẫu áo dài mới rất đẹp trên cái nền truyền thống kết hợp hài hòa với tinh thần hiện đại. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, lấy danh nghĩa cách tân, một số nhà thiết kế đã cho ra lò những mẫu áo dài phản cảm, lại được tiếp tay bởi một số người đẹp ý thức kém trong làng giải trí. Điều đó đã đi ngược lại cái đẹp, giá trị văn hóa truyền thống mà bao lớp người dày công vun đắp.
PHAN PHÚ YÊN