Nợ ngập đầu vì… nghêu, tôm

Nghêu, tôm chết hàng loạt
Nợ ngập đầu vì… nghêu, tôm

Cả tháng nay nhiều hộ nông dân xã Hoằng Phụ - Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sống dở, chết dở vì tình hình nuôi trồng hải sản. Nghêu chết trắng bãi biển, tôm đến mùa thu hoạch cũng chết. Ước tính thiệt hại chỉ riêng về giống nghêu cũng đã lên tới gần 6 tỷ đồng; hàng chục hộ lâm vào cảnh nợ nần.

Nghêu, tôm chết hàng loạt

Tính đến tháng 6-2008 xã Hoằng Phụ thả được 22,5 triệu con tôm giống trên tổng số 170ha đồng tôm và gần 30ha bãi nghêu. Nhưng đến nay, số hộ thu hoạch được cũng chỉ vài chục hộ do tôm chết nên phải thu hoạch non, riêng gần 30ha nuôi nghêu thì chưa ai thu được con nào và hiện tại số nghêu chết đã lên đến 90%.

Nợ ngập đầu vì… nghêu, tôm ảnh 1

Nghêu chết trắng bãi biển

Hộ bà Nguyễn Thị Thay đầu tư gần 5 triệu đồng tiền giống tôm cách đây 3 tháng và 150 triệu đồng giống nghêu vào giữa tháng 10-2007. Nhưng đến nay nhà bà cũng chỉ mới thu hoạch non được 70kg tôm.

Bà cho biết: “Nếu tôm không chết, thu hoạch đúng vụ cũng được 5 tạ, tương đương 50 triệu đồng và 0,5ha nghêu cho thu hoạch hơn 300 triệu đồng. Nhưng đến nay bãi nghêu không còn con nào, ao tôm thì đã vét hết, xem như mấy trăm triệu đồng cả vụ năm nay đổ sông, đổ biển”.

Bà cũng cho biết thêm: “Để có được số vốn nuôi nghêu, gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn và tiền ky cóp cả chục năm nay. Đến bây giờ không biết lấy gì trả nợ”.

Tính tới hiện tại toàn xã đã có 27 hộ có tôm chết và số hộ nuôi còn lại cũng không biết lúc nào tai họa sẽ ập xuống. Như ông Phùng Quốc Oai lần 1 thả 8 vạn con giống, qua gần 1 tháng không thấy con nào, thả tiếp 3 vạn con nhưng vẫn không thấy tôm và đợt vừa rồi ông lại mới thả thêm 5 vạn con giống song ao tôm nhà ông vẫn chỉ lưa thưa một vài con bằng đầu đũa. Hay nhà ông Hà Viết Được, chỉ 6 ngày gần đây đã phải vớt gần 200kg vứt lên bờ.

Ngoài việc đối mặt với tôm chết hàng loạt, 34 hộ nuôi nghêu cũng lâm vào cảnh nợ nần, thiệt hại riêng tiền giống nghêu ước tính gần 6 tỷ đồng. Những hộ nuôi nghêu mấy ngày nay không ai dám ra biển vì cứ nhìn thấy nghêu chết trắng bãi lại thêm chua xót, đau đớn thêm.

Trong số những hộ nuôi nghêu, nhà nào ít nhất cũng thiệt hại trên 50 triệu đồng, còn đa số là từ 100 – 150 triệu đồng. Như hộ ông Phùng Văn Thình, Nguyễn Văn Bản, Nguyễn Thị Liên... thiệt hại riêng tiền giống nghêu mỗi hộ lên tới gần 500 triệu đồng.

Ông Thình cho biết: “Gia đình tôi nuôi nghêu được 4 năm nay, mỗi năm cũng lời được 70 triệu đồng, năm nay vay mượn thêm được 200 triệu đồng dồn hết vào đầu tư 1ha nghêu. Tưởng rằng tháng 8 này thu hoạch cũng được hơn tỷ đồng, ai ngờ chỉ chưa đầy 10 ngày nghêu đã chết hết. Sắp trở thành tỷ phú đến nơi phút chốc lại trở thành “chúa chổm”, đau đớn lắm!”.

Làm ăn theo kiểu nhờ trời

Nợ ngập đầu vì… nghêu, tôm ảnh 2

Trạm bơm trở thành đống hoang tàn

Bảy năm nuôi trồng hải sản, người dân xã Hoằng Phụ chưa bao giờ phải đối mặt với tình hình tôm, nghêu nuôi chết hàng loạt như năm nay. Nguyên nhân được người dân cho rằng là do bị ô nhiễm nguồn nước, tôm chết có biểu hiện đen mang, nghêu chết trồi lên cát...

Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thì ngoài bị ô nhiễm nguồn nước, còn có nhiều nguyên nhân khác như: biến động thời tiết, do người dân không áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, người dân vẫn còn duy trì kiểu làm ăn “nhờ trời”.

Thực tế, nhiều hộ nuôi tôm tại xã Hoằng Phụ cả tháng không hề rải men vi sinh để xử lý môi trường nước, mà theo khuyến cáo thì một tháng phải xử lý bằng men vi sinh 2 - 3 lần; mật độ thả quá dày, con giống mua trôi nổi trên thị trường...; hay hệ thống cung cấp nước biển, xử lý nước thải tại đồng tôm ở địa phương này cũng cần phải bàn.

Năm 2002, dự án đồng tôm công nghiệp tại địa phương này được tỉnh Thanh Hóa đầu tư 2,7 tỷ đồng xây dựng trạm bơm nước cung cấp cho đồng tôm. Nhưng không hiểu tại sao đã gần 4 năm nay trạm bơm này trở thành bãi hoang tàn, xã đã phải tháo máy móc cất vào kho, một số linh phụ kiện bị các đối tượng trộm cắp đem bán phế liệu, nhiều hạng mục bị hủy hoại, hư hại nặng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch xã cho biết: “Một phần do sóng biển bồi lấp, làm hư hỏng; phần khác là do các hộ không có tiền đóng góp để trả tiền điện, trùng tu, bảo dưỡng nên trạm bơm xuống cấp, hư hỏng”.

Hay tình hình nuôi nghêu cũng vậy. Lâu nay bà con cho rằng con nghêu khỏe, không chết được, chỉ việc bỏ tiền mua giống thả xuống và đợi lớn thu hoạch. Chính vì cách nghĩ đó nên khi xảy ra “sự cố” thì thiệt hại rất lớn. Bằng chứng là gần 30ha nuôi nghêu của xã chết gần hết.

Đã đến lúc có cách nhìn mới về đầu tư cho nông nhiệp, chứ không phải kiểu “đánh bạc” với thiên nhiên.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa thì tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt tại nhiều nơi. Tính đến ngày 10-6 các địa phương như Nông Cống, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoàng Hóa, Nga Sơn... tôm đã chết tại nhiều xã, một số địa phương có số tôm chết hàng loạt. Tại Trường Giang (Nông Cống), Quảng Trung (Quảng Xương) đã xuất hiện tôm chết do bị bệnh đốm trắng.

ĐÌNH HỢP

Tin cùng chuyên mục