Chiều 6-10, Hội đồng Nobel của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Hóa học 2010 (trị giá 1,5 triệu USD) cho 3 nhà khoa học Richard Heck (người Mỹ), Ei-ichi Negishi và Akira Suzuki (người Nhật) vì công trình nghiên cứu về việc liên kết các nguyên tử carbon trong hợp chất hữu cơ, tạo tiền đề tạo ra các hợp chất hữu cơ phức tạp hơn.
Đây cũng là một sự trùng hợp hiếm hoi, do công trình nghiên cứu nguyên tử carbon được vinh danh lần lượt trong hai giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học trong cùng 1 năm. Chỉ trước đó một ngày, hai nhà khoa học Adre Geim và Konstantin Novoselov đã nhận giải thưởng Nobel Vật lý cho công trình nghiên cứu Graphene, một dạng hình thù của carbon.
Ông Richard Heck, sinh năm 1931, hiện đang là Giáo sư tại Đại học Delaware, Newark, Mỹ. Ông Ei-ichi Negishi, sinh năm 1935, trở thành Tiến sĩ năm 1963 ở Trường Đại học Pennsylvania, Philadelphia, Mỹ. Hiện ông đang là Giáo sư hóa học tại Đại học Purdue, Lafayette, Mỹ. Ông Akira Suzuki, sinh năm 1930 ở Mukawa, Nhật Bản, hiện đang là Giáo sư Đại học Hokkaido, Đại học Sapporo, Nhật Bản.
Hóa học hữu cơ là ngành nghiên cứu những hợp chất cơ bản tạo nên sự sống. Nắm được kiến thức về hóa học hữu cơ, con người có thể tái tạo sự sống từ cấp độ phân tử. Nhưng để làm được điều đó, phải có sự liên kết các nguyên tử carbon, thành phần cơ bản và chủ yếu của sự sống nhưng lại không dễ dàng dính với nhau theo ý muốn của con người.
Đã có nhiều phương pháp được đề ra, nhưng vấn đề chỉ trở nên dễ dàng hơn khi 3 nhà khoa học trên tìm ra cách sử dụng palladium làm chất xúc tác cho các phản ứng giữa các chất hữu cơ với nhau. Chất hóa học này đã tạo điều kiện cho các nhà hóa học chế tạo các hóa chất phức tạp.
Hội đồng Nobel tuyên bố, công trình của 3 nhà khoa học này đã góp phần trong việc chế tạo các vật liệu mới, ứng dụng rộng rãi và phục vụ nhu cầu cho đời sống của hàng tỷ người dân trên toàn thế giới, trong đó có chất dẻo.
Nghiên cứu cũng giúp chế tạo nhiều loại dược phẩm mới trong y học, bao gồm cả thuốc chữa trị ung thư, nhiều thiết bị điện tử và sản xuất các loại phân bón không gây hại cây trồng trong nông nghiệp. 3 nhà khoa học Richard F. Heck, Ei-ichi Negishi và Akira Suzuki sẽ cùng chia nhau khoản tiền thưởng 10 triệu kronor.
Những nhà khoa học nhận Nobel Hóa học trong 10 năm qua |
THANH HẰNG