Thậm chí, nhiều người tỏ ra hoang mang về chất lượng thuốc y học cổ truyền (YHCT) khi nhà nhà, người người trở thành bác sĩ, lương y bày bán thuốc đặc trị, thực phẩm chức năng (TPCN).
Để có thể trở thành một bác sĩ YHCT, phải được đào tạo trong môi trường bài bản và khắt khe. Lợi dụng mạng xã hội, hàng loạt kẻ lừa bịp, chưa một ngày được đào tạo chuyên khoa tự nhận là lương y, có các bài thuốc gia truyền tổ tiên để lại, bán cho người bệnh mà chưa ai kiểm chứng thuốc đó là gì. Vô cảm đến mức, có người còn tạo hiệu ứng truyền thông độc ác, rằng thuốc của họ có thể chữa bách bệnh, ngang nhiên chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; dùng mọi lời lẽ đánh vào tâm lý ngại điều trị tại cơ sở y tế của bệnh nhân để thỏa mãn việc kiếm tiền trên nỗi đau người bệnh.
Theo một chuyên gia về YHCT, mánh khóe của các loại thuốc “3 đời” này là trộn các hoạt chất tân dược vào đông được để tăng kết quả, rút ngắn quá trình điều trị. Tuy nhiên di chứng về sau thì hết sức nặng nề, có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Không có một dòng thông tin xác thực, kiểm chứng từ ngành y tế, các đoạn video kiểu “nhà tôi 3 đời” ấy cứ xuất hiện tràn lan, ngày một dày đặc. Thậm chí người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, nhiều quảng cáo TPCN hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe mạo danh thuốc đông y còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ kèm theo phản hồi của người tiêu dùng... có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tìm cách “trị” các đoạn quảng cáo vô lương tâm này, mỗi người dân hãy ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, nên tới bệnh viện, cơ sở y tế để được bác sĩ khám bệnh, chỉ định phác đồ điều trị, không nên tự ý mua sản phẩm dựa trên thông tin quảng cáo.