Con dao, cái thớt có lẽ là những vật dụng không thể thiếu của nhân loại chứ không riêng gì người Việt. Nhưng với riêng người Việt, chúng còn mang rất nhiều ý nghĩa ngoài danh từ gọi tên đồ vật như thế.
“Tay dao tay thớt” chỉ người tháo vát xoay xở. “Dao cùn thớt trũng” chỉ đồ nghề của bất cứ ông thợ vụng nào. “Dao sắc không gọt được chuôi” là thành ngữ giáo dục cổ xưa nói về chuyện phụ huynh thất bại trong việc dạy dỗ con cái. “Dao kéo” chỉ việc phụ nữ phẫu thuật làm đẹp hoặc các biên tập viên nhà xuất bản non gan. Thỉnh thoảng có vài kẻ bất lương trộm cắp trơ tráo cũng được gắn cho chiếc thớt lên chân dung của mình. Gọi là “mặt thớt”.
Minh họa: P.S.
Con dao của người Việt cho đến tận đầu thế kỷ này vẫn chỉ là sản phẩm thủ công do các phường thợ rèn làng xã và đô thị chế tạo ra. Khá nhiều hình thức nhưng tựu trung chỉ có vài loại thông dụng. Miền xuôi có dao rựa bản dày liền tông dùng để chặt những vật cứng. Xương trâu bò, dê, lợn không có dao rựa kể như đừng mua về nhà là hơn. Dao phay dùng để thái, người ta tra cán gỗ đóng khâu sắt cho dễ cầm. Dao bài nhỏ hơn dùng để cắt gọt những rau quả củ và làm nhiều việc khác không có liên quan đến thực phẩm. Thời phụ nữ Việt nhuộm răng đen và ăn trầu thuốc còn có thêm con dao vòng. Là loại dao nhỏ liền cán được thợ rèn đánh đằng chuôi một vòng sắt xoắn đựng vừa trong chiếc cơi trầu dùng để bổ cau. “Yêu nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười” là tục ngữ chỉ việc ứng xử của các bà ăn trầu ngày xưa.
Miền núi có thêm con dao quắm dùng để phát cây đi rừng. Cái phần “quắm” mũi dao có tác dụng như chiếc câu liêm để giật cành. Dao quắm miền rừng còn là dụng cụ đo khoảng cách đường đi. Người ta đeo con dao quắm cạnh hông mà đi cho đến lúc thấy mỏi thì quăng nó sang bên hông đối diện, gọi là một quăng dao. Cả miền núi và miền xuôi đều có dao găm. Thứ vũ khí chung này hẳn là phải có mặt từ thời nguyên thủy. Dao găm tìm thấy từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng. Chiếc dao cầu không phổ biến lắm vì chỉ mấy ông lang dùng để thái thuốc. Tương tự là con dao thái phở có đến hai cán cầm, cũng chỉ hàng phở mới dùng đến.
Thớt là phiến gỗ cắt ngang thân cây, độ dày mỏng tùy theo công việc. Thớt thái mỏng và lồi mặt gương chút ít. Thớt chặt dày hơn cho đỡ vỡ. Gỗ chọn làm thớt có nhiều loại nhưng chỉ có gỗ nghiến già thớ xoắn là tốt nhất. Thớt nghiến ngày trước người Hà Nội muốn có phải gửi mua trên Lạng Sơn, Cao Bằng. Trong phố người ta hay bán thớt xà cừ. Thớt gỗ tạp nhanh mủn và khi băm thái hay bị lên mùn làm hỏng mùi thức ăn. Thế nhưng với các ông lang thì mùn thớt lại là một vị thuốc. Ngộ độc thức ăn thường người ta cạo mùn thớt pha nước cho uống để nôn ra ngoài. Thực ra chẳng phải thuốc men gì cả. Chỉ là cái mùi ấy bất cứ ai uống vào cũng đều cho ra kể cả người lành lặn.
Thật ngạc nhiên là không mấy gia đình ở phố bây giờ còn dùng đến những dao thớt truyền thống ấy nữa. Toàn bộ giá cắm dao trong bếp gia đình bây giờ là những con dao thép trắng, vẫn quen gọi là dao Thái Lan, chỉ tiện cho việc thái, gọt, cắt những món đơn giản, không thể chặt chân giò nấu bún bung bằng những dao ấy được. Chiếc thớt nhựa hoặc thớt gỗ thớ dọc còn thảm hại hơn nhiều. Chặt con gà không ngắm kỹ chiều thớ gỗ có phen nửa gà nửa thớt cùng đứt đôi. Vì thế nên người Hà Nội bây giờ hình như quay lại tác phong ăn thịt gà như thời bao cấp, nghĩa là dùng kéo để cắt. Thời ấy dao thớt rất sẵn nhưng thịt gà chỉ duy nhất có ngày tết mới được mua. Ngày thường ăn thịt gà rộn ràng dao thớt cứ như khiêu khích hàng xóm vậy?
Quanh Hà Nội có khá nhiều làng nghề sản xuất dao kéo. Tiêu biểu là làng Canh bên Từ Liêm và làng Đa Sĩ trong Hà Đông. Làng Đa Sĩ có bí quyết rèn dao đã thành nghệ thuật. Bản dao thường làm bằng thép non kẹp một mảnh thép già mỏng ở phần lưỡi, mài rất nhanh mà độ sắc tuyệt vời. Giờ thì những làng nghề ấy có nguy cơ hết việc. Những con dao đen đúa sần sùi thủ công ấy không có chỗ trong căn bếp sáng choang thành phố còn bởi người bán thực phẩm ở chợ bây giờ đã chặt hộ khách hàng tất cả những gì họ muốn. Dĩ nhiên chiếc thớt cũng cùng chung số phận. Giờ mà mắng kẻ cắp là “đồ mặt thớt” có khi còn bị mắng lại: “Đồ không biết mắng”!
ĐỖ PHẤN