Nỗi buồn di sản

Câu chuyện về người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ký đơn xin “trả lại” Nhà nước danh hiệu Di sản văn hóa quốc gia và “tối hậu thư” của chùa Một Cột đã trở thành đề tài nóng trong dư luận gần đây. Cả 2 đều là Di sản quốc gia, sự việc cũng khác nhau, nhưng cùng có chung một nỗi buồn là sự thờ ơ của các cấp chính quyền địa phương. Nói đúng hơn, đó là sự báo động về cách thức quản lý và thái độ ứng xử đối với di sản văn hóa hiện nay.

Câu chuyện về người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ký đơn xin “trả lại” Nhà nước danh hiệu Di sản văn hóa quốc gia và “tối hậu thư” của chùa Một Cột đã trở thành đề tài nóng trong dư luận gần đây. Cả 2 đều là Di sản quốc gia, sự việc cũng khác nhau, nhưng cùng có chung một nỗi buồn là sự thờ ơ của các cấp chính quyền địa phương. Nói đúng hơn, đó là sự báo động về cách thức quản lý và thái độ ứng xử đối với di sản văn hóa hiện nay.

Làng cổ Đường Lâm được công nhận di tích quốc gia từ năm 2005. Từ đó đến nay, những hộ dân có nhà cổ trong làng đã được hưởng lợi khá nhiều từ khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, số hộ dân thực sự có nhà cổ ở trong làng rất ít. Phần lớn người dân ở làng không có nhà cổ trong diện bảo tồn nhưng suốt gần 10 năm qua không được xây dựng, sửa chữa, cũng không có khoản thu hay tiền hỗ trợ nào, trong khi nhân khẩu trong gia đình ngày một tăng nên sinh hoạt trở nên rất khó khăn, bức xúc về chỗ ở. Từ năm 2005, khi Đường Lâm bắt đầu quy hoạch thành làng cổ thì sự bức xúc xuất hiện và ngày càng tăng. Người dân cảm thấy quá khổ vì làm nhà nhưng không được cơi nới, chỉ được xây nhà cấp bốn. Rất nhiều hộ gia đình ở Đường Lâm bức xúc vì phải sống trong không gian lụp xụp, chật chội, muốn cơi nới làm lại phục vụ nhu cầu sống tối thiểu của mình thì bị cấm, bị cưỡng chế phá dỡ...

Câu chuyện di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Một Cột (thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) thì có khác. Từng được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”, nhưng chùa Một Cột thường xuyên “được tắm” mỗi khi trời mưa. Đã trùng tu cách đây ngót nửa thế kỷ nên nhiều chỗ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói vỡ và xô lệch, cột kèo nhiều chỗ mục nát… khiến ai nhìn thấy đều xót xa. Tại sao một ngôi chùa được xem là biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn hiến này lại phải chịu cảnh đó? Tại sao 10 lá đơn của vị sư trụ trì gửi tới các cơ quan chức năng với mong muốn giản dị như bất kỳ nhà tu hành nào: đó là trùng tu lại ngôi chùa, đáp ứng điều mong mỏi của rất nhiều phật tử nói riêng và du khách thập phương trong ngoài nước nói chung… trong suốt hơn 11 năm qua mà đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý quan tâm? Chỉ đến khi quá bức xúc, nhà chùa mới phải đưa ra tối hậu thư: “Nếu sau 30 ngày nữa nhưng không có ý kiến của các cấp chính quyền thì nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột khi mùa mưa bão sắp tới”. Với lá đơn này, tưởng bài học về câu chuyện tự ý phá dỡ di tích quốc gia chùa Trăm Gian (cũng ở Hà Nội) mới xảy ra năm ngoái sẽ khiến những nhà quản lý phải suy nghĩ nhiều. Thế nhưng, lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho rằng, ngôi chùa xuống cấp là có thật, nhưng tất cả vẫn phải theo lộ trình và đúng luật. Lộ trình bao nhiêu lâu nữa không thấy ai đề cập tới. Nghĩa là ngôi chùa sẽ vẫn tiếp tục phải chờ và trong thời gian chờ ấy, nếu  có chuyện gì xảy ra với ngôi chùa, không biết trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Vẫn biết mọi việc phải làm đúng luật, nhưng luật cũng do con người đặt ra, nếu cần thiết phải thay đổi cho hợp với điều kiện thực tế. Phải để các di sản đó sống và tiếp tục phát triển, chứ không trở thành “di tích buồn”. Hãy để người dân thấy tự hào và bảo vệ các di sản, chứ không phải bắt người dân “khốn khổ và bức xúc” vì di sản đó. Đừng quá cứng nhắc với di sản văn hóa, bởi theo lẽ thường, nó chỉ có một và có thể sẽ biến dạng hoặc sụp đổ vĩnh viễn do chúng ta quá chậm vì “quá thận trọng”. Khi đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Có lẽ khi ấy, chỉ còn lại nỗi buồn di sản...

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục