Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Chuyện ở Lũng Pô
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Từ thành phố Lào Cai, ngược dòng sông Hồng, vượt qua thị trấn Bát Xát, rồi mất khoảng 1 giờ đi xe ô tô chúng tôi đến địa phận xã A Mú Sung. Từ trung tâm xã, đi gần 20km men bờ sông Hồng, chúng tôi gặp cột mốc số 92. Đây là điểm ngã ba giữa sông Hồng và suối Lũng Pô. Bên kia sông và suối là đất Trung Quốc. Đây cũng là điểm đầu tiên của đất Việt tiếp nhận nguồn nước từ dòng sông Hồng.

Cột mốc số 92, đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam thuộc bản Lũng Pô 2, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Cột mốc số 92, đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam thuộc bản Lũng Pô 2, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Chuyện ở Lũng Pô

Lũng Pô có 2 bản và nơi cột mốc số 92, đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam thuộc bản Lũng Pô 2. Từ đây, kéo dài hơn 510km, chảy qua 9 tỉnh, thành phố (gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định) sông Hồng đổ ra biển tại cửa chính Ba Lạt (giữa Nam Định và Thái Bình). Sông Hồng có nhiều tên khác nhau, phần ở Trung Quốc tên Nguyên Giang, phần ở Việt Nam tên Hồng Hà hay sông Cái, đoạn chạy qua Phú Thọ gọi là sông Thao, đoạn chảy qua Hà Nội là Nhĩ Hà hay Nhị Hà. Đó là nhánh chính, còn hầu như tất cả sông lớn ở miền Bắc như sông Đà, sông Lô cũng trở thành phụ lưu của sông Hồng khi về xuôi.

Nói vậy để thấy rằng, sông Hồng là huyết mạch, dòng chảy nuôi dưỡng và sản sinh ra không chỉ hoa trái, lúa gạo mà còn là bề dày văn hiến mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Và Lũng Pô 2 ở A Mú Sung, nơi có cột mốc 92 thiêng liêng chính là điểm bắt đầu của dòng chảy đó. Đứng bên cột mốc, nhìn dòng sông mải miết chảy về xuôi, một cảm giác tự hào dân tộc mãnh liệt trỗi dậy trong người tôi, như lần đầu tiên đặt chân lên quần đảo Trường Sa cách đây mấy năm...

Cách đây 6 năm, 19 hộ đồng bào Mông, xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, cũng thuộc Lào Cai) chuyển về định cư tại xã A Mú Sung, hình thành nên thôn Lũng Pô 2 này. Ma Seo Củi (người thôn Lũng Pô 2), Phó Chủ tịch xã A Mú Sung cho biết trước đây, đồng bào người Mông ở Dìn Chin thường không ở nhà, suốt ngày đóng cửa lên núi cao phát nương, nhưng do đất đai khô cằn, nước sinh hoạt thiếu, nên cuộc sống rất khó khăn.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương đưa sang thôn Lũng Pô 2 để định cư, mới đầu gặp không ít khó khăn, bởi ở đây vẫn còn hoang vu, nhưng bù lại, đất đai tốt, bà con ra sức khai hoang, nên cuộc sống của 19 hộ dân khá hơn rất nhiều. Đến nay, cả thôn Lũng Pô 2 có 26 hộ dân, trong đó có hơn 10 hộ khá giả.

Nếu như những năm đầu mới định cư ở đây, bà con Lũng Pô 2 chủ yếu làm rẫy và trồng dứa thì trong vài năm trở lại đây, cây chuối trở thành cây trồng kinh tế chủ lực ở Lũng Pô 2. Hiện cây chuối được đưa vào trồng với diện tích lớn, vụ cuối năm 2011 vừa qua, toàn thôn bán ra thị trường gần 100 tấn quả, thu về hàng trăm triệu đồng. Dứa và chuối đang là nguồn thu nhập chính để bà con nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Phó Chủ tịch Ma Seo Củi cho biết gia đình anh trong năm 2011, riêng tiền bán chuối gần 100 triệu đồng. Nhiều nhà trong thôn cũng vậy và nhờ đó thoát khỏi cảnh đói nghèo, trở nên khá giả.

Bà con thôn Lũng Pô 2 thu hoạch chuối.

Bà con thôn Lũng Pô 2 thu hoạch chuối.

Di động vùng biên

Nếu nói chuyện thay đổi vùng biên ải, nơi đầu nguồn sông Hồng này không thể không nói đến việc phổ cập dịch vụ điện thoại di động. Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ma Seo Củi khẳng định, nhờ “cái di động”, bà con giờ chuyện gì cũng biết cả. Điện thoại di động vừa để liên lạc với người thân, vừa là nghe đài FM, vừa nghe nhạc, rồi còn chụp ảnh được nữa. Trước đây, ở xa có khi mấy tháng trời mới gặp nhau, biết tin nhau. Giờ nhà ai có việc gì, dù đang ở đâu cũng biết được cả. Bản thân Ma Seo Củi đang dùng 2 cái điện thoại. Một là để liên lạc công việc, công tác đoàn thể, cái còn lại để gọi điện cho người nhà. Đại tá Đoàn Quốc Việt, Đoàn trưởng đoàn kinh tế quốc phòng 345 đóng trên xã A Mú Sung khẳng định, bà con dân tộc ở đây, nhà nào cũng có ít nhất 1 điện thoại di động, có nhà 5 - 6 người, ai cũng có cả. Trước năm 2005, cả xã A Mú Sung không hề có điện thoại. Giờ cả 6 xã trên tuyến biên giới của huyện Bát Xát với chiều dài 67km đã phủ sóng di động.

Nói về tiện ích của điện thoại di động ở vùng biên giới như A Mú Sung, Trung tá Hoàng Văn Luật, Chính trị viên Đồn biên phòng A Mú Sung cho biết chính nhờ di động và công tác quản lý địa bàn cũng như thông tin của các chiến sĩ biên phòng nơi đây thuận lợi hơn. Trước đây, có việc gì bất thường là người dân phải đi bộ, hoặc đi xe máy lên tận đồn báo cáo. Cần chỉ đạo việc gì, đồn cũng phải cử người xuống tận thôn. Nhưng nhờ có sóng điện thoại di động, suốt tuyến biên giới do đồn A Mú Sung quản lý, có bất kỳ chuyện gì khác thường, đều được bà con thông báo ngay. Có người xin qua biên giới thăm người thân, trao đổi hàng hóa, khi qua đó có chuyện bất trắc, nhờ có di động gọi ngày về bên này, nên chính quyền, đồn biên phòng và người thân phối hợp giải quyết kịp thời. Lại có người vào rừng lấy mật ong, bị trượt chân ngã xuống vực, chân bị gãy không đi lại được, nhưng nhờ có sóng di động, nên gọi được người nhà vào cứu được, đưa về nằm trạm xá quân dân y kết hợp để chữa trị...

Bản thân các chiến sĩ biên phòng A Mú Sung, những năm qua, nhờ có di động, nên sự liệc, trao đổi thông tin với người thân gia đình ở xuôi cũng thuận tiện hơn rất nhiều. “Nhờ sóng điện thoại di động nên thấy gia đình, người thân, phố phường luôn gần gũi hơn, chứ không còn xa xôi, cách trở như trước kia nữa. Để rồi chúng tôi yên tâm công tác, bảo vệ vững chắc, yên bình vùng biên giới nơi đầu nguồn sông Hồng này...” – Trung tá Luật tâm sự.

Nghĩa tình đầu con nước

Cùng với điện thoại di động, ở Lũng Pô 2 giờ cũng đã có điện lưới quốc gia, có trường học mẫu giáo, trường cấp 1 - 2. Cô giáo mầm non Phạm Thị Hồng Thanh (30 tuổi, người ở thị trấn Bát Xát) cho biết cô đã dạy mẫu giáo ở Lũng Pô này 7 năm.

Chồng cô, thầy Lê Anh Xuân (35 tuổi) cũng là giáo viên dạy cấp 1 ở đây hơn 10 năm rồi. Hai vợ chồng vốn khác quê, lên đây công tác mới quen và yêu nhau. Họ lập gia đình cách đây 6 năm và giờ đã có 2 đứa con. Đứa nhỏ 2 tuổi gửi ông bà ngoại nuôi. Đứa lớn 4 tuổi lên Lũng Pô sống cùng bố mẹ. Căn phòng của gia đình cô giáo Thanh sống khoảng 1/3 căn phòng lớp học được quây lại bằng riđô vải.

“Không có nhà riêng cho giáo viên, nên lớp học nào ở đây cũng vậy. Chúng em sống vậy cũng quen rồi. Vợ chồng em mới có nhà ở Bát Xát, cuối tuần cả nhà lại đèo nhau bằng xe máy về. Trước đây đường sá đi lại khó khăn, có khi mấy tháng mới về thăm nhà 1 lần. Giờ đi lại cũng thuận tiện, nên thường cuối tuần chúng em về nhà. A Mú Sung cũng như Lũng Pô ngày trước khó khăn, lạc hậu lắm. Việc dạy học của chúng em cũng vất vả, có những em người Mông, học cả năm trời mới biết đọc được tên mình và hát 1 - 2 bài hát. Dạy viết, dạy toán lại càng khó khăn hơn. Mấy năm trở lại đây thì điều kiện khá hơn. Nhờ đó bọn em cũng yên tâm công tác nơi này...” – cô giáo Thanh kể chuyện.

Chia tay Lũng Pô, chia tay A Mú Sung khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi bắt đầu hành trình xuôi theo sông Hồng để về lại thành phố Lào Cai. Khi qua hết địa phận A Mú Sung và dòng sông Hồng nhòa dần trong tối, chợt nhớ đến bài hát Gửi em ở cuối sông Hồng, trong đầu tôi chợt vang lên giai điệu và những câu hát: “Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi anh mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ. Anh ở biên cương biết rằng em năm ngóng tháng chờ, cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước, nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lòng em mong...”.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục