
Họa hoằn lắm người ta mới thấy bà Thỏn cười. Gần năm chục năm làm mẹ, sống heo hắt với 3 đứa con điên dưới chân núi Rú Già ở nơi đầu nguồn sông Ba Lòng, nước mắt bà Thỏn âm thầm khô cạn. Bà Thỏn không hề cười. Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Nguyên (Đakrông, Quảng Trị) nói: “Bà Thỏn mà cười thì… khốn!”...

Bà Thỏn với 3 đứa con dở điên dở dại…
Trong 3 đứa con của bà Phan Thị Thỏn ở thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên chỉ có cô chị tên Phi, sinh năm 1960 là “khôn” hơn cả. Phi biết tự chải đầu và phân biệt được đâu là tay phải, đâu là tay trái; còn 2 con trai: Trần Minh sinh năm 1969 và Trần Cường, sinh 1972 đều to cao, mặt mũi sáng sủa, nhưng suốt ngày lang thang khắp làng, miệng lẩm nhẩm những điều vô nghĩa và cười vặt.
Lúc đến nhà bà Thỏn, chúng tôi chỉ thấy bà và Phi ở nhà. Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhờ mấy đứa trẻ con trong xóm “đi lùng” Cường và Minh. Ngót cả tiếng đồng hồ, bọn trẻ chạy dáo dác trở về báo: “Chịu.” Đùng một cái, Cường lù lù xuất hiện trước ngõ cứ như thể tiếng “chịu” đã niệm thần chú vào đôi chân Cường vậy.
Còn Minh thì trở về nhà với đôi bàn chân bết bùn, trên tay cầm bộ quần áo ướt, vừa đi vừa lẩm bẩm như đang nói chuyện với ai đó, miệng cười vu vơ. Không chờ ai hỏi, Minh đã đánh tiếng: “Đi tắm, tắm sông”. Khi được mẹ vuốt tóc và dùng ống tay áo của mình để lau vệt nước sông còn đọng dưới cổ, Minh đờ đẫn và bỗng trở nên ngoan ngoãn như đứa trẻ. Nó quen với sự vuốt ve, âu yếm của mẹ. Chị Lan cũng tỏ ra biết cách dỗ ngọt, bảo Cường đừng ngoáy mũi liên hồi để còn chụp ảnh, Minh liếc xéo Cường, chẳng hiểu sao cả hai cùng nhoẻn cười.
Bốn mẹ con, một mẹ già 75 tuổi và 3 đứa con khờ khạo ngồi dưới mái hiên ngôi nhà tình thương gắn tấm biển Chữ thập đỏ. Có lẽ để đề phòng mùa mưa bão, nước từ vách núi Rú Già có thể đổ xuống cướp mất nơi ở của 4 con người nên cánh thợ xây đã tôn nền nhà lên cao hơn mức bình thường. Vườn nhà trống không. Mấy bụi chuối còi cọc như chuối dại của Rú Già mọc lấn vào trong vườn.
Chị Lan kể: “Hai năm trước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 8 triệu đồng, bà con góp cho 190 cân gạo và 200.000 đồng, bà Thỏn dốc sạch vào ngôi nhà, cuối cùng thành ra 10 triệu…” Lẽ ra bà Thỏn đừng đổ hết vào ngôi nhà để còn dành cái ăn, nhưng lần đầu tiên trong đời được toan tính thuê thợ xây nhà, cũng làø cơ hội hiếm hoi, có thể làm vơi nỗi lo lớn nhất đời nên bà Thỏn đã hết sức chăm chút cho ngôi nhà. Bà nói: “Miệng ăn núi lở. Tui chết, nhà là của 3 đứa. Phải có chỗ cho chúng ở. Ai giúp mãi được?”.
Bây giờ Bà Thỏn đã không còn sức ra đồng. Cả nhà chi tiêu nhờ vào trợ cấp của Minh và Cường mỗi tháng tổng cộng 80.000 đồng. Chị Lan nói: “May mà Cường và Minh chỉ ăn cơm với muối đậu”. Phi không có trợ cấp vì sinh trước thời điểm rải chất độc da cam.
Bà Thỏn kể: “Hồi sinh thằng Cường mới 2 tháng, vùng Triệu Nguyên lính chạy cả đoàn, chúng ném lựu đạn cay vô nhà, thằng Cường nằm khóc trong khói lựu đạn. Ba chị em lớn lên, người ngợm bình thường, nhưng chứng điên khờ thì không chữa được”. Khổ nhất là trở trời, nhìn con la hét, vung tay tự nện vào đầu... những lúc ấy, bà Thỏn như người sống giữa trại điên bất kham. Bà chạy từ đứa này qua đứa khác; đứa này hất bà ra, đứa khác lảm nhảm trợn mắt lên với bà. Gần 50 năm làm mẹ, Bà Thỏn chưa bao giờ có một nụ cười tươi.
Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Nguyên nói: “Bà Thỏn mà cười thì… khốn!”. Chị Lan cho biết, chính quyền cũng đã nghĩ đến việc vận động cộng đồng cưu mang 3 con của bà Thỏn sau này. Nghe chị Lan nói vậy, Bà Thỏn cười… trong nước mắt: “Tui không lo cho tui, chỉ lo tui chết không ai canh chừng 3 đứa. Nhắm mắt tui cũng không yên lòng!”.
LÊ MINH THẮNG