Năm nào cũng vậy, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, bánh mứt, trái cây… từ các nơi ồ ạt đổ về các thành phố lớn. Các hàng rong bán hàng ăn uống cũng xuất hiện tràn lan khắp các vỉa hè. Bạn đọc Báo SGGP đã bày tỏ nỗi lo về thực phẩm không an toàn vệ sinh.
Nỗi lo thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh
Cùng với nỗi lo về thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau quả, những năm gần đây người tiêu dùng lại có thêm nỗi lo về tồn dư chất tăng trưởng độc hại trong các sản phẩm chăn nuôi. Liên tục từ nhiều tháng qua, trên báo chí đã thông tin về việc phát hiện những trường hợp sản xuất - kinh doanh thực phẩm cực kỳ độc hại, như dùng hóa chất để làm sạch thịt gia súc; dùng nhựa đường để làm sạch thịt gia cầm và giữ thịt tươi; dùng pin cũ cho vào nước để luộc bắp; dùng thạch cao pha vào đậu hũ… Những hóa chất được sử dụng chế biến thực phẩm kiểu như vậy là độc tố, khi tích lũy trong cơ thể có thể gây tổn hại cho gan và thận, ung thư da...
Ngoài việc sử dụng hóa chất để bảo quản thịt gia súc, gia cầm, có người chăn nuôi còn lạm dụng các hoóc môn kích thích tăng trưởng trộn vào thức ăn chăn nuôi, đây là những chất bị cấm sử dụng vì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các loại mặt hàng như bột ngọt, nấm khô, hương liệu thực phẩm, gia súc, gia cầm từ nước ngoài vận chuyển qua cửa khẩu, không đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn được vận chuyển trót lọt, đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đó là những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định kinh doanh thực phẩm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Thực phẩm là một loại hàng hóa đặc biệt, các cơ quan chức năng liên quan không thể thả nổi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần tăng cường quản lý ở tất cả các khâu sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm. không thể để mặc người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm dựa vào kinh nghiệm và cảm quan.
ĐẶNG THỊ NGỌC ĐIỆP (Bình Tân, TPHCM)
Thận trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc
Ngày nay, khi ra chợ, người tiêu dùng rất khó chọn được thực phẩm an toàn. Thấy rau tươi xanh quá cũng sợ người ta tưới chất kích thích, hóa chất. Thậm chí thật kinh hãi khi nghe chuyện người ta tưới nhớt cũ cho rau muống xanh mướt. Xem tivi lại phát ớn khi thấy cảnh người ta chế biến mỡ heo thối, đổ vào bình nhựa để đưa đi tiêu thụ tại các quán ăn. Hàng ngày, có biết bao nhiêu loại phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến được nhập từ nước ngoài không đạt tiêu chuẩn đã được tiêu thụ. Tuy nhiên, những trường hợp phát hiện được và xử lý chẳng thấm vào đâu.
Trong khi đó, vì không hiểu biết nên người tiêu dùng sử dụng phụ gia rất bừa bãi. Họ có thể sử dụng hóa chất trong công nghiệp, hóa chất trong dệt may, thậm chí cả phân bón để bảo quản và chế biến đồ ăn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Thật khó hiểu khi nạn thực phẩm bẩn, phụ gia không an toàn đang có mặt ở khắp các chợ, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương có biết, nhưng lại gần như bó tay.
Ngay tại Kim Biên - chợ đầu mối hóa chất của TPHCM - nhiều hộ kinh doanh đủ các hóa chất, phụ gia dùng để chế biến thực phẩm, cần loại nào là có ngay, đa số là hàng của Trung Quốc, không nhãn mác, không ghi thời hạn sử dụng.
Lâu nay, việc lựa chọn thực phẩm chỉ dựa trên cảm tính chứ không có căn cứ nào để chắc chắn thực phẩm đó sạch hay bẩn. Do vậy, khi nói không với thực phẩm bẩn, người tiêu dùng rất cần được cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm hướng dẫn kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn hay không. Rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về cách sử dụng phụ gia, thực phẩm an toàn. Từ đó, giúp nâng cao ý thức của cả người mua và người bán. Phải có chế tài để xử phạt đủ sức răn đe mới mong dẹp bớt những tai họa cho người tiêu dùng do thực phẩm bẩn.
ĐỖ THÔNG
(Bình Thạnh, TPHCM)
Có ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm
Hàng năm nước ta có nhiều người bị ngộ độc thực phẩm do ăn uống hàng rong không đảm bảo an toàn vệ sinh, làm ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tử vong. Trong dịp gần tết, hoạt động bán hàng rong lại càng tràn lan, bày bán đủ các loại thức ăn, nước uống. Do vậy, các thành phố lớn đang quan tâm quản lý, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm bán rong, tuy nhiên việc quản lý chưa thường xuyên và còn nhiều bất cập.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tại 8 thành phố lớn đã thí điểm thực hiện việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm cho các hàng rong. Theo đó, UBND xã - phường là đơn vị quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các hàng rong; nhân viên y tế sẽ thẩm định về y tế, sức khỏe, hồ sơ. Song thực tế chính quyền cấp cơ sở có ít nhân sự và phải lo toan nhiều việc, rất khó lo thêm việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm một cách hiệu quả đối với hàng rong.
Theo tôi, việc quản lý hàng rong bằng giấy phép không phải là biện pháp triệt để, vì người bán hàng rong không bán ở một điểm cố định; để quản lý, đòi hỏi phải có người thường xuyên trực trên đường phố để chặn kiểm tra giấy phép bán hàng rong, vừa không khả thi, vừa thấy không ổn. Với lại sau khi được cấp phép, nếu như người bán hàng rong không tuân thủ đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng đâu dễ có căn cứ để kết luận và xử lý.
Biện pháp căn cơ là phải quản lý chặt việc sản xuất, chế biến thực phẩm; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục cho người dân ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm, không ăn uống ở các điểm bán không đảm bảo vệ sinh.
TRẦN XUÂN HIỀN
(Quận 8, TPHCM)
Thu giữ gần 260kg thịt heo thối
Ngày 3-1, Công an quận 8, TPHCM cho biết, cơ quan này phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra nhà số 49D2/12 Hoài Thanh (phường 14, quận 8), phát hiện gần 260kg thịt heo bốc mùi hôi thối đang được “làm sạch”.
Tại hiện trường (ảnh) ghi nhận, khoảng một nửa lô hàng trên đã được tẩy trắng thành thịt “tươi”. Chủ lô hàng là bà Nguyễn Thị Hồng Trang (33 tuổi, tạm trú địa chỉ trên), khai nhận, đã mua số thịt trên ở Đồng Nai, sau đó sẽ giao cho các chợ và cơ sở chế biến heo quay.
Đ.LOAN