Trong những ngày đầu năm mới, không ít nhà kinh tế đã nhận định hoạt động sản xuất toàn cầu trong năm 2012 sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) nhiều khả năng rơi vào suy thoái và hoạt động sản xuất tại châu Á bị thu hẹp.
Nỗi lo suy thoái ở eurozone
Tháng 12-2011, chỉ số quản lý sức mua (PMI) tại eurozone đạt mức 46,9 điểm, cao hơn tháng 11 0,5 điểm. Tuy nhiên, tháng 12 là tháng thứ 5 liên tiếp PMI của eurozone dưới mức 50 điểm, cho thấy lĩnh vực sản xuất đang suy giảm.
Theo một số khảo sát mới được công bố, tốc độ sản xuất và đơn đặt hàng mới tại eurozone đều giảm liên tiếp trong 2 tháng. Dirk Schumacher, nhà kinh tế của Goldman Sachs tại Frankfurt (Đức), cho biết các con số nêu trên đã chỉ ra rằng eurozone sắp bước vào suy thoái. Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng Reuters cũng chung nhận định trên và cho rằng suy thoái tại eurozone sẽ kéo dài tới quý II năm 2012.
Điều này sẽ đẩy một số nước trong eurozone tới ngưỡng nguy hiểm. PMI của Tây Ban Nha đã ở mức thấp trong hơn 8 tháng qua, khiến cuộc chiến với nợ công nước này càng khó khăn. Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha, Luis de Guindos, cho biết thâm hụt ngân sách năm 2011 nước này cao hơn 8% GDP (trong khi trần thâm hụt ngân sách EU cho phép chỉ 3% GDP).
Trong khi đó, PMI của Mỹ chỉ tăng nhẹ từ 52,7 điểm trong tháng 11 lên 53,2 điểm vào tháng 12. Dù đây là mức tăng tốt nhất của Mỹ kể từ tháng 6-2011 nhưng đã báo hiệu khả năng phục hồi bấp bênh của nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Các chuyên gia kinh tế đều dự đoán để đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm mức lãi suất từ 1% hiện nay còn 0,75% trong vài tháng tới.
Vẫn mong chờ châu Á
Các thống kê tạo cảm giác lo lắng đối với nền kinh tế châu Á. PMI của Hàn Quốc tiếp tục dưới mức 50 điểm trong năm 2011, đánh dấu mức độ thu hẹp về sản xuất gần 3 năm qua tại một trong những nền kinh tế lớn của châu Á. Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm dù PMI của Trung Quốc tháng 12-2011 tăng nhẹ lên 50,3 điểm từ 49 điểm trong tháng 11.
Dù Bắc Kinh cam kết sẽ đưa ra nhiều chính sách mới nhằm đẩy mạnh phát triển, trong đó có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, Ủy ban Kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP) dự báo tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ 9,3% năm 2011 xuống còn 8,5% năm 2012. Còn tại Ấn Độ, chính phủ nước này đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm tài khóa tính đến tháng 3-2012 còn 7,3% so với con số ban đầu 9%.
Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức, nhà kinh tế vẫn dự báo châu Á sẽ trở thành điểm tựa cho nền kinh tế toàn cầu năm 2012. Báo cáo “Triển vọng kinh tế Đông Nam Á 2011-2012” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán tăng trưởng kinh tế Indonesia sẽ tăng từ mức 6,3% năm 2011 lên 6,6%/năm giai đoạn 2012-2016. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, gồm Malaysia (6,3%), Việt Nam (5,3%), Philippines (4,9%), Singapore (4,6%) và Thái Lan (4,5%).
Trong khi đó, sau hơn nửa năm với ý chí kiên cường và những cố gắng vượt bậc để khắc phục hậu quả thảm họa động đất-sóng thần, người dân Nhật Bản đang từng bước lấy lại đà phục hồi kinh tế và nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc bước đầu đã lóe lên những dấu hiệu tích cực.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Gerard Lyons thuộc Ngân hàng Standard Chartered, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống trong những tháng đầu năm 2012. Song tăng trưởng tại châu Á sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm.
ĐỖ VĂN (Tổng hợp)