Nỗi lo... thu hoạch lúa

Nông dân ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông-xuân. Những lo lắng về giá, tiêu thụ chưa nguôi, giờ đây lại nóng chuyện nhân công cắt lúa đang thiếu nghiêm trọng. Trong khi đó, khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH), xét trên tổng thể vẫn còn ì ạch!
Nỗi lo... thu hoạch lúa

Nông dân ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông-xuân. Những lo lắng về giá, tiêu thụ chưa nguôi, giờ đây lại nóng chuyện nhân công cắt lúa đang thiếu nghiêm trọng. Trong khi đó, khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH), xét trên tổng thể vẫn còn ì ạch!

Rất nhiều hạn chế

Nông dân ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đang kêu ca về công cắt lúa, dù chưa phải là cao điểm thu hoạch nhưng giá công cắt khá cao, hiện đã lên tới mức 300.000 đồng/công (1.000m²). Nhiều hộ còn lo lắng vì 2 tuần nữa là vào vụ thu hoạch rộ nhưng nhân công cắt lúa đang hiếm hoi bởi phần lớn thanh niên trai tráng đã rời quê để đi làm ở các khu công nghiệp.

Nông dân ĐBSCL sẽ thu hoạch lúa đồng loạt do xuống giống đồng loạt để né rầy nâu nên áp lực tìm kiếm máy GĐLH và nhân công thu hoạch lúa sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, theo Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), đến nay ĐBSCL có 3.000 máy GĐLH, 3.400 máy gặt xếp dãy.

Đa số máy GĐLH do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: P.T.C.

Đa số máy GĐLH do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: P.T.C.

Số lượng này đáp ứng khoảng 15% diện tích lúa trong vùng. Với tình trạng này, chuyện nông dân “săn tìm” thuê máy GĐLH và nhân công cắt lúa sẽ còn kéo dài. Song chuyện chất lượng của máy GĐLH cũng đáng quan ngại. Các cơ sở sản xuất trong nước còn yếu (chưa quan tâm đến đầu tư công nghệ mới), khi hư chưa có phụ tùng thay ngay, chính vì vậy, máy GĐLH Trung Quốc đang chiếm ưu thế.

Trong tương lai gần, máy GĐLH sẽ là lựa chọn của nông dân với nhiều ưu thế và tính năng phù hợp. Việc cắt, gặt hầu như chỉ làm thủ công. Nông dân ít dùng máy gặt xếp dãy vì ruộng ướt, không rải lúa được. Lúa ở ĐBSCL thường là giống thân cao, trong khi đa số máy gặt hiện nay chưa có bộ phận điều chỉnh chiều cao cắt thích hợp. Việc đầu tư mua máy gặt khá tốn kém, giá trị từ 150 - 200 triệu đồng/máy trong khi nông dân ở đây diện tích ruộng thường nhỏ và manh mún. Chính bởi điều đó, theo Viện Lúa ĐBSCL, ước tính mỗi năm nông dân trồng lúa ở ĐBSCL mất 3.200 - 3.600 tỷ đồng vì thất thoát sau thu hoạch, chiếm gần 12% tổng sản lượng do thiếu máy móc chuyên dụng.

Lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng nhìn nhận: ngành cơ khí còn yếu, chất lượng máy GĐLH chưa đồng nhất, quy mô nhỏ. Thực tế là nhiều vùng đất sản xuất lúa vẫn lồi lõm không thể đưa máy GĐLH vào thu hoạch. Muốn phát huy tính năng của máy GĐLH nhiều địa phương phải cải tạo lại mặt bằng đồng ruộng để máy GĐLH dễ hoạt động. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, hạ tầng yếu kém là cản trở lớn đối với việc phát triển cơ giới hóa (CGH).

Thiếu vốn, thiếu quyết tâm

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện QĐ 497 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đến cuối năm 2010, nhưng giảm xuống còn 2%. “Chính phủ đã có chủ trương rõ ràng nhưng thực tế hiện nay nhiều nông dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay này ở ngân hàng” – ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Cần đầu tư chiều sâu

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, đồng ruộng ĐBSCL cần 10.000 - 12.000 máy GĐLH để đẩy tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lên 30% - 40% vào năm 2010. Tuy nhiên thực tế có những vấn đề khó khăn khi đưa máy móc vào đồng ruộng ở ĐBSCL: diện tích từng hộ quá nhỏ hẹp. Hầu hết nông hộ chỉ có dưới 1 ha đất, trong lúc năng suất của máy GĐLH là 3 – 5 ha/ngày, rất khó xoay trở từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác.

Ở ĐBSCL, nông dân làm lúa hai vụ, ba vụ mà đặc biệt vụ hai, vụ ba thu hoạch trúng ngay mùa mưa, nên việc sử dụng máy móc còn khó khăn. Vấn đề rất quan trọng trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL chính là nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Ngay tại vùng trọng điểm nông nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 18 triệu dân nhưng không có trường đại học nông nghiệp trong khi nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này rất yếu và thiếu là một trở ngại không nhỏ.

 Từ khi có quyết định này (tháng 4-2009) đến nay, vấn đề máy móc nông nghiệp trở nên rất nóng. Thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển cơ khí, trong đó có cơ khí phục vụ nông nghiệp, bao gồm: ưu đãi về tín dụng đầu tư, cơ chế chỉ định thầu, ưu đãi thuế, khoa học công nghệ…

Tuy thế, đến nay, mới chỉ có Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM); Công ty Cơ khí Hà Nội và Công ty Sinco (TPHCM) là có khả năng sản xuất máy móc tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhưng số lượng và thị phần rất thấp. Thống kê cho thấy, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam bình quân chỉ đạt 1,16 CV/ha, trong khi Thái Lan là 4 CV/ha; Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc 6,06 CV/ha.

Thực trạng trên đòi hỏi ngành cơ khí trong nước phải thật sự có một cuộc lột xác. Theo Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), đến năm 2020 phải đưa sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp và thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản thành ngành sản xuất mạnh của Việt Nam với hàng loạt giải pháp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hàng năm nước ta đã chi một khoản tiền không nhỏ cho nghiên cứu và quá nhiều chính sách ưu đãi nhưng hiệu quả cụ thể không thấy đâu.

Mặt khác, giải pháp thì có rất nhiều nhưng để đưa ra được giải pháp chuẩn theo mục tiêu đã xác định cụ thể cần phải có một cơ quan trực thuộc Chính phủ để lo liệu. Vấn đề cần dứt khoát là phải tránh được chuyện “tất cả đều có phần” như lâu nay hay làm.

Thực tế đang đòi hỏi ngành nông nghiệp cần có cơ chế chính sách thích hợp nhằm xây dựng các công trình thủy lợi, cải thiện đồng ruộng, thúc đẩy dồn điền đổi thửa…để áp dụng CGH, nhất là chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư chế tạo máy móc, đào tạo nhân lực để đẩy nhanh quá trình CGH, nâng cao giá trị hạt lúa trong thời gian tới.

Máy gặt lúa liên tục nếm sắt, đá

Nhiều bà con nông dân ở Nhơn Bình (Trà Ôn – Vĩnh Long) đang rất bức xúc trước tình trạng kẻ xấu cố tình gài bẫy những máy GĐLH. Khi mắc bẫy, máy bị hư hỏng nhiều bộ phận, sửa xong lại hư nữa, nên dù còn cả trăm công của nhiều bà con nơi đây đang hối thúc nhưng một số chủ máy gặt đành bỏ chạy... Bà con phải mướn cắt thủ công. Tương tự, không ít chủ máy GĐLH ở huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết họ thường bị bẫy bởi những cây sắt dài 20 – 30cm hoặc những thanh đá xanh trên mặt ruộng lẫn trong lúa, người điều khiển máy không tài nào nhận ra.

Sau mỗi lần cắt phải sắt, đá như vậy, những ông chủ máy GĐLH đều trình báo công an địa phương nhưng nơi nào cũng cười trừ vì cho rằng không thể biết ai là thủ phạm. Điều khó là khi máy GĐLH “bỏ chạy” thì rất khó kiếm được nhân công cắt lúa, nếu có thì giá khá cao. Đầu vụ, giá cắt là 120.000 đồng/công lúa đứng, 150.000 đồng/công lúa sập thì bây giờ giá đã lên 200.000/lúa sập mà kiếm không ra người làm. Bà con nông dân mong chính quyền sớm truy tìm kẻ phá hoại, để không còn cái cảnh “gặt bằng máy mà mỏi cả tay”.

M.TRƯỜNG – C.PHONG

Tin cùng chuyên mục