Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên. Bài 1: Sông khô, người khát

Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên. Bài 1: Sông khô, người khát

Mỗi năm, thủy điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên đóng góp một lượng điện rất lớn lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, do chạy theo kiểu phong trào “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện”, bản đồ quy hoạch hệ thống thủy điện bậc thang tại miền Trung – Tây Nguyên trở nên “rối mù” và nhiều hệ lụy.

Nhiều ngày qua, sông Vu Gia khô cạn nước. Vùng hạ du như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng, đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi nạn nước biển xâm nhập sâu khiến nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho hoa màu bị nhiễm mặn. Thủ phạm chính của việc này là do thủy điện “bóp cổ” sông từ đầu nguồn.

  • Sông khô

Ngày 14-5, trong cái nắng bỏng rát của miền Trung, chúng tôi ngược hơn trăm cây số từ Đà Nẵng lên thủy điện Đăk Mi 4 (thượng nguồn sông Vu Gia, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Dọc quốc lộ 14B, từ Hà Nha (Đại Lộc) lên Bến Giằng (Nam Giang), nơi sông Cái đổ về dòng Vu Gia ngầu đục, thay cho màu nước trong xanh ngày nào.

Chỉ mới đầu tháng 5 nhưng sông đã cạn kiệt, trẻ con có thể lội qua. Giữa sông, những nổng cát nổi lên rát bỏng giữa cái nắng oi bức. Khúc sông dài chừng hơn 30 cây số từ cầu Hà Nha lên đến Bến Giằng, nước chỉ còn như con rạch nhỏ. Nước đỏ. Màu đất.

Ngồi nhìn bầy bò đang gặm cỏ bên mé sông, ông Trần Văn Bình (thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, Đại Lộc) than thở: “Từ ngày họ đắp đập làm thủy điện trên nguồn là dân tui không biết tắm sông là gì. Nước sông lúc nào cũng đỏ lửng, lỡ xuống tắm là tối về ngứa gãi cả đêm”.

Khai thác vàng trái phép là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Vu Gia.

Khai thác vàng trái phép là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông Vu Gia.

Cách đó vài chục cây số, sông Bung (Đông Giang) – nhánh sông lớn thứ 2 của sông Vu Gia sau sông Đăk Mi – đục ngầu vì thi công thủy điện và khai thác vàng trái phép. Tệ hại hơn, dòng Đăk Mi từ xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) đổ về Bến Giằng (huyện Nam Giang) chẳng còn một dòng nước nào. Lòng sông thành những ao tù. Lởm chởm đá. Không ai dám nghĩ cách đây vài năm, đây là dòng sông lớn chiếm 36% lượng nước đổ về hệ thống sông Vu Gia.

Trên dòng sông khô cạn, cứ cách vài trăm mét lại có một nhóm làm vàng trái phép. Máy chạy xình xịch cả ngày đêm để tuyển vàng như động tác “rút ô-xy” đối với dòng sông “chết” này.

Sau 4 ngày Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, chiều 14-5, đứng trên con đập tràn – nơi chủ đầu tư xây dựng 5 cửa xả để trả nước lại cho sông Vu Gia – nhìn xuống đáy sông cạn khô dòng nước. Phía hồ chứa, mực nước vẫn ở mức cao, cao trình > 250m (cao hơn mực nước chết hơn 9m - PV).

Nếu đúng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thì thời điểm này, đáng ra thủy điện Đăk Mi 4 phải xả chống hạn ra sông Đăk Mi với lưu lượng 25m3/giây. Trong khi đó, chiều 14-5, 5 cửa xả vẫn đóng im ỉm, mức nước giữa hồ chứa và dòng sông là tỷ lệ nghịch ở mút hai đầu biên độ.

Chiều 14-5, PV Báo SGGP đến trụ sở Ban Quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4 - chủ đầu tư công trình là Công ty Phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam - IDICO - đóng tại xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) mong tìm gặp lãnh đạo ban để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sông khát.

Tuy nhiên, PV Báo SGGP đến Văn phòng BQL và đề nghị gặp lãnh đạo để làm việc, một nữ nhân viên cho biết “Trưởng BQL đi công tác, hiện chỉ còn Phó BQL ở nhà thôi”. PV Báo SGGP đề nghị gặp Phó BQL thì nhân viên này nói “để xin ý kiến”.

Khoảng 3 phút sau nữ nhân viên này quay lại và thông báo “Do chưa hẹn trước nên các sếp đi… họp hết rồi (?!)”. Khi đề nghị xin số điện thoại di động của lãnh đạo nơi đây thì nhân viên này nói gọn lỏn: “Em không được phép cho số điện thoại lãnh đạo”.

  • Người khát

Do bị “bóp cổ” từ thượng nguồn, mực nước sông Vu Gia xuống thấp khiến nước mặn xâm nhập mạnh vào hạ lưu. Điều này đồng nghĩa với việc sắp đến, nguy cơ 1,7 triệu dân sống ở khu vực hạ du sông Vu Gia gồm: TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) phải chịu khát nước do thủy điện Đăk Mi 4 không trả nước lại cho sông Vu Gia.

Điểm bị ảnh hưởng nặng nhất là TP Đà Nẵng, hạ lưu sông Vu Gia. Nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp đến 90% nước sinh hoạt cho thành phố, bị nước mặn xâm nhập với mức gần 500mg/lít. Không chỉ bị nhiễm mặn, nước sông Vu Gia bị ô nhiễm bùn đất, hóa chất một cách nghiêm trọng đã gây nhiều khó khăn cho nhà máy. Không những thế, nước tưới cho hàng trăm hécta lúa và hoa màu vụ hè thu dọc lưu vực sông Vu Gia cũng bị thiếu hoặc bị nhiễm mặn.

Cửa xả bờ đập thủy điện Đăk Mi 4 đóng im ỉm, phía trên là hồ tràn đầy nước, phía sông Đăk Mi trơ đáy. Ảnh: Nguyên Khôi (chụp chiều 14-5-2012).

Cửa xả bờ đập thủy điện Đăk Mi 4 đóng im ỉm, phía trên là hồ tràn đầy nước, phía sông Đăk Mi trơ đáy. Ảnh: Nguyên Khôi (chụp chiều 14-5-2012).

Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng Thủy điện Đăk Mi 4 đã cắt dòng sông Đăk Mi để phát điện nhưng không trả nước về dòng Vu Gia mà lại đổ về sông Thu Bồn. Chính vì vậy, sông Vu Gia cạn kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt của gần 1,7 triệu dân sống ở vùng hạ lưu.

Trong năm 2009 và 2010, nhiều lần TP Đà Nẵng quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư trả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 47m³/giây, nhưng sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/giây. Trong khi, Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 lấy của sông Vu Gia vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm là 47m³/giây. Hiện nay Quảng Nam và Đà Nẵng đang chuẩn bị đổ ải cho vụ hè thu với 8.000ha, nếu nước thiếu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Thủy điện Đăk Mi 4 phớt lờ “lệnh” của Phó Thủ tướng, bất chấp những cảnh báo từ chính quyền và hậu quả là người dân sống ở lưu vực và hạ du sông Vu Gia… lãnh đủ. 

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục