Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều dự án thủy điện. Theo thống kê, Nghệ An hiện có 72 dự án thủy điện với tổng công suất trên 1.000MW. Trong số này có 5 dự án (682MW) lớn thuộc giai đoạn 2006-2015; đến 2020 có 30 dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn được Bộ Công thương phê duyệt; số dự án thủy điện vừa và nhỏ còn lại do tỉnh quản lý. Việc một địa phương có nhiều dự án thủy điện, về một số mặt, đó là tín hiệu vui. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những bất cập quanh các công trình thủy điện này.
Dân sinh đảo lộn
Cho đến nay, mặc dù Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) đã đi vào hoạt động ổn định nhưng đời sống người dân liên quan vẫn còn vô cùng ngổn ngang. Ngay từ năm 2006, để phục vụ công trình thủy điện này, trên 2.000 hộ dân các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai được đưa đến khu tái định cư mới, trong đó chủ yếu tập trung tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương).
Từ đấy đến nay, lẽ ra đời sống người dân đã ổn định để an cư lạc nghiệp nhưng thực tế không như vậy. Các bất cập trong việc xây dựng khu tái định cư, thiếu đất sản xuất, không có việc làm... khiến người dân lần lượt kéo về quê cũ trong lòng hồ để kiếm kế sinh nhai.
Cho đến giữa tháng 5-2012 đã có gần 200 hộ với trên 500 nhân khẩu quay về sinh sống trong vòng lòng hồ. Trong số này có 36 hộ đã bán nhà và đất ở khu tái định cư. Nhưng oái oăm là những hộ dân trở về thực tế đã không còn là người của huyện Tương Dương nữa, vậy nên các quyền lợi của họ hiện không có gì, đặc biệt là không được hỗ trợ lương thực (vì phần lớn thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc), con em không được đến trường,...
Người “ra đi” đã khổ, người ở lại cũng không sung sướng gì hơn. Người dân trong vùng lòng hồ và ngoài vùng lòng hồ dọc theo tuyến sông Nậm Nơn phải sống “phập phù” theo hoạt động của thủy điện Bản Vẽ. Ngay đầu tháng 5 này, do thủy điện vận hành liên tục, nước thượng nguồn đổ về thiếu nên dẫn đến tình trạng tuyến đường thủy trên sông Nậm Nơn không thể hoạt động. Nếu bình thường mực nước lòng hồ ở cao trình 198 thì bây giờ chỉ còn ở mức 167 - trong tầm mực nước chết.
Sông Nậm Nơn bị “phân đoạn” với nhiều “hố lắng” đầy bùn, đất đá... Đặc biệt, điểm sông tại Km54 thuộc khu vực bản Tổm (xã Nhôn Mai) đã bị đất đá, cây cối từ ngọn đồi phía trên sạt xuống chắn ngang dòng chảy cũ, tạo nên một dòng mới nhưng đầy bùn và cây, độ dốc cao...
Hiện tượng này, trong cuộc làm việc với Công ty Thủy điện Bản Vẽ và UBND huyện Tương Dương, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã cảnh báo, tuy nhiên các đơn vị liên quan đã không thực hiện việc khảo sát, đánh giá tình hình. Chính vì vậy, gần 10 ngày đầu tháng 5 này 4 xã phía thượng nguồn sông Nậm Nơn đã bị cô lập với bên ngoài, đó là xã Bắc Lý và Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn), Nhôn Mai và Mai Sơn (huyện Tương Dương).
Trong khoảng thời gian này, lương thực, các nhu yếu phẩm không đến được với bà con, học sinh trong thời điểm thi cử đi lại không được... Anh Vi Văn Thoong (bản Com, xã Kim Đa) - người đóng thuyền nổi tiếng ở khu vực sông Nậm Nơn, cho biết: “Việc sông Nậm Nơn cạn nước, núi lấp dòng chảy ngăn người đi ngược về xuôi tui chưa từng thấy. Chỉ thấy từ khi làm Nhà máy thủy điện Bản Vẽ...”.
“Xới” khu dự trữ sinh quyển thế giới
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt có diện tích 67.934ha, thuộc 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Đây chính là khu BTTN nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện tại khu vực này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nơi đây. Hiện có tới 7 dự án thủy điện đã và đang được triển khai tại khu vực này, lớn nhất là thủy điện Hủa Na (180MW), ngoài ra là các dự án Sông Quang, Bản Cốc, Sao Va, Nhan Hạc, Tiền Phong, Nậm Pông.
Ảnh hưởng thấy rõ nhất của việc xây dựng thủy điện là các dòng sông trong khu BTTN đang “chết dần chết mòn”. Các sông như Nậm Quang, Nậm Giải, sông Hiếu… mùa khô thì trơ đáy, mùa mưa thì lũ cuốn bất thường.
Ông Bùi Xuân Hùng, Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương Nghệ An), cho biết: “Việc cấp phép xây dựng 7 dự án thủy điện nằm trong Khu BTTN Pù Hoạt tùy vào công suất nên cái do bộ, cái do tỉnh cấp. Một số nhà máy được cấp phép từ trước nên tôi cũng không rõ khi thẩm định họ có kiểm tra nằm trong khu BTTN hay không. Khi có chủ trương xây dựng một số nhà máy thủy điện trong Khu BTTN Pù Hoạt, trước nguy cơ tác động xấu đến môi trường chúng tôi đã có ý kiến phản đối nhưng không hiểu sao họ vẫn quyết định đồng ý cho xây dựng, cụ thể như Nhà máy thủy điện Tiền Phong (huyện Quế Phong)”.
Còn ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết: “Khi xây dựng nhà máy, theo nguyên tắc chủ đầu tư đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu bộ cấp phép xây dựng thì bộ thẩm định, tỉnh cấp phép thì tỉnh thẩm định. Nhà máy điện nếu xây dựng trong khu BTTN ít hay nhiều đều có ảnh hưởng đến hệ sinh học của khu bảo tồn. Vì để phát điện cần xây đập tích nước, như vậy cả vùng thượng du và hạ du đều bị ảnh hưởng do cân bằng sinh thái bị phá vỡ…”.
Sao Va - một thác nước - thắng cảnh nổi tiếng của Nghệ An, luôn được ngành du lịch tỉnh này đưa hình ảnh quảng bá với du khách gần xa. Thế nhưng, đó là hình ảnh ngày xưa, còn bây giờ thác nước này đang bị thủy điện “giành” mất nước. Nguyên nhân là năm 2006, Nhà máy thủy điện Sao Va (3MW) được xây dựng chỉ cách thác về phía thượng nguồn khoảng 1,5km. Khi thủy điện này tích nước thì các dòng suối, sông cung cấp nguồn nước cho thác cạn kiệt khiến thác chỉ còn là ghềnh khô.
Ông Lô Văn Hợi, nhà trong khu vực thác Sao Va, cho biết: “Không hiểu răng người ta lại xây thủy điện ngay phía trên thác có một đoạn. Trước khi chưa xây nhà máy nước thác lúc mô cũng chảy ầm ầm, khách du lịch đến nhiều lắm. Nhà tui những năm trước bày bán một số hàng cho khách khi họ tới tắm, ngắm cảnh, còn bây giờ thì ngay mùa hè cũng không thấy mấy ai, vì thác có còn nước mô, còn đẹp đâu mà họ tới”.
Duy Cường - Xinh Đồng
| |
| |