- Sa tặc lộng hành
Nếu như năm ngoái vào thời điểm này, nước trong hồ Dầu Tiếng đã dâng cao đến mức báo động 3 thì năm nay, hồ Dầu Tiếng còn thiếu 330 triệu m3 nước. Mực nước trong hồ thấp cũng là điều kiện để các ghe khai thác cát lậu hoành hành.
Theo báo cáo từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, UBND tỉnh Tây Ninh và UBND tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp được thăm dò và khai thác cát trong hồ gồm: Công ty cổ phần 40, Doanh nghiệp tư nhân Huy Thiện gồm 1 bãi và 6 tàu, Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương 6 bãi 18 tàu, Công ty TNHH MTV Dương Đại Lực 6 bãi với 17 tàu.
Có mặt tại hiện trường chúng tôi thấy tình trạng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng như một công trường xây dựng với bến bãi tàu bè hoạt động cả ngày lẫn đêm hết sức bát nháo, nhiều bến bãi hoạt động không có giấy phép, hầu hết các tàu đều không có kiểm định, không có bảng số, thuyền trưởng và thủy thủ không có bằng lái.
Người ta đã dùng công nghệ tàu cuốc hút bùn vào việc bơm hút cát về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đáy hồ mà các nhà khoa học thủy lợi đã cảnh báo, chưa kể đây còn là địa điểm tập kết của nhiều tội phạm hình sự từ phía Bắc vào nương náu trong lúc bị truy nã. Nhân viên bảo vệ của hồ lại không được kiểm tra giấy tờ tùy thân hay tạm trú tạm vắng của những người làm công tại đây.
Đồn Công an hồ Dầu Tiếng nhiệm vụ chính cũng chỉ bảo vệ các mục tiêu xung yếu của hồ. Các địa phương như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước chỉ quản lý những người có hộ khẩu KT3 sống ven hồ. Những người sống trên các tàu bơm cát và bè cá, số ít có giấy tờ tùy thân được chủ cơ sở đăng ký tạm trú với địa phương, còn lại những thành phần sa tặc sống trên các bè cá và tàu bơm cát vẫn ngoài vòng pháp luật. Theo phản ánh của một số người dân, hiện nay một số doanh nghiệp khi có giấy phép thăm dò khai thác nhưng không làm mà “bán” lại cho các đầu nậu tư nhân khai thác.
Môi trường kêu cứu
Trong khi hàng ngày có đến vài trăm người sống trên các tàu bơm cát và đánh bắt hải sản trong hồ ăn uống, tắm rửa và cả vệ sinh xuống hồ, còn một nỗi lo đó là nạn nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng. 3 năm trước, một số đại gia nuôi cá như Tám Thêm, Tám Toại, Năm Mẹo bị cưỡng chế ra khỏi hồ thì nay xuất hiện trở lại khoảng 30 bè nuôi cá thuộc địa phận 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước “góp phần” gây thêm ô nhiễm nguồn nước hồ.
Tại địa bàn xã Minh Hòa huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương và xã Tân Hiệp của Bình Phước có rất nhiều hộ dân đào ao nuôi cá ngay tại vành đai an toàn của hồ. Mô hình VAC kiểu này nếu không có biện pháp mạnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến mủ cao su tại Bình Dương và Bình Phước đang xả nước thải xuống hồ. Tại xã Phước Minh của tỉnh Tây Ninh có Nhà máy MIWON của Hàn Quốc chế biến bột khoai mì đã hai lần bị bắt quả tang xả nước thải chưa qua xử lý.
Sở dĩ tình trạng trên kéo dài suốt nhiều năm, một phần do Công ty Khai thác và quản lý hồ Dầu Tiếng chỉ là đơn vị công ích trực thuộc trung ương, địa bàn quản lý lại đóng trên nhiều tỉnh nên việc phối hợp xử lý chưa đồng bộ.
Nên chăng, Bộ NN-PTNT và các tỉnh thành liên quan cần tạo một cơ chế đủ “lực” cho đơn vị quản lý hồ được năng động hơn trong việc xử lý các tình huống để hồ Dầu Tiếng trở thành nơi có môi trường “xanh - sạch “ và phát triển bền vững.
Phan Tuấn