Đoạn đường từ Quảng Ngãi đi Đà Nẵng trên 130km. Bình thường đi 2 tiếng rưỡi, nhưng với những thai phụ cấp cứu thì lại là quãng đường dài dằng dặc. Ấy vậy nhưng nhiều sản phụ ở Quảng Ngãi vẫn khăn gói vượt hàng trăm cây số ra tận Đà Nẵng để đẻ cho… an toàn. Đau đớn, hoang mang và tốn kém nhiều lần vì đường xa nhưng họ vẫn cứ đi để vượt qua nỗi ám ảnh tai biến sản khoa ở hệ thống y tế tỉnh nhà.
“Né” bệnh viện nhà
Đã nhiều tháng qua, kể từ khi tai biến sản khoa xảy ra ngày càng phức tạp, nhiều sản phụ ở Quảng Ngãi quyết không đẻ ở bệnh viện (BV) tỉnh, huyện mà khăn gói vượt hơn 130km ra tận BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để “vượt cạn” cho an toàn.
Chị Trần Lê Phương (30 tuổi, trú đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) sinh đứa con đầu lòng khỏe mạnh tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Có đứa con đầu lòng nhưng tâm lý của chị Phương ngày càng nặng nề khi địa phương của chị liên tục xảy ra những vụ tai biến sản khoa khiến gia đình chị mất ăn mất ngủ. Từ ngày mang thai cho đến khi sinh, chị không dám đến BV của tỉnh Quảng Ngãi để khám thai mà chị đi khám thai ở phòng khám tư, mặc dù nhà chị rất gần BV. Vợ chồng chị càng lo thêm khi bác sĩ chẩn đoán chị sẽ sinh khó vì “nhau tiền đạo”. Thế là, gần đến ngày sinh, gia đình thuê xe đưa chị ra BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chờ sinh. Hai ngày sau là “mẹ tròn con vuông” nhờ sinh mổ.
“Mới đứa con đầu lòng, nghe bác sĩ chẩn đoán là sinh khó, nghe tin sản phụ chết nhiều quá nên em đành ra Đà Nẵng chờ sinh. Tốn kém tiền đi lại, ăn ở hơn một chút nhưng sinh rất an toàn, dịch vụ y tế lại tốt. Đứa con đầu lòng nên có tốn kém mấy em cũng đi để sinh con cho an toàn, chứ ở BV tỉnh lo lắm” - chị Trần Lê Phương cho biết.
Cùng tâm lý như chị Phương, chị Nguyễn Thị Thúy Vân (29 tuổi, trú Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mặc dù đã chuyển dạ nhưng gia đình nhất quyết thuê taxi chở chị ra Đà Nẵng sinh chứ không để sinh ở BV tỉnh dù có nguy cơ sinh con… giữa đường. Chị Vân cho biết: “Khi đau bụng, gia đình thuê taxi chở em ra Đà Nẵng sinh hết 1,2 triệu đồng. Em tính, nếu đi trên đường mà muốn đẻ thì ghé BV Đa khoa Quảng Nam, nếu kịp thì ra BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, chứ không dám sinh ở Quảng Ngãi vì ở đó xảy ra nhiều vụ sản phụ chết khi sinh”.
Theo lời bà Lê Thị Nguyên (56 tuổi, ở xã Hành Trung, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) - người vừa đưa con dâu đi sinh ở Đà Nẵng về - thì tiền xe, ăn uống, viện phí... cho một trường hợp đi sinh ở Đà Nẵng từ 8 - 10 triệu đồng; còn nếu chỉ khám rồi về cũng trên dưới 1 triệu đồng/lần. Tốn kém là vậy nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì sự an toàn.
Đi tìm giải pháp
Lo âu của các thai phụ không phải không có lý, bởi nguyên nhân khiến các thai phụ của Quảng Ngãi phải đi đẻ xứ người là do bất an về chuyên môn, y đức, thái độ phục vụ… của đội ngũ y bác sĩ Khoa sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Ngãi; về những sự cố nhãn tiền tắc trách khiến sản phụ và thai nhi liên tiếp tử vong thời gian qua đã được chính lãnh đạo BV này thừa nhận.
Theo ông Hoàng Trọng Quang, Phó Giám đốc BVĐK Quảng Ngãi, nguyên nhân để xảy ra các vụ tai biến sản khoa là do thiếu nguồn nhân lực, thiếu bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm, nhất là khoa sản. Việc thiếu trang thiết bị, BV quá tải cũng khiến chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản hạn chế. “Trong 14 BV tuyến huyện thì chỉ 5 BV có thể mổ và cấp cứu sản khoa, 2 BV có thể truyền máu... Vì vậy, tất cả các ca sinh đều dồn về Khoa Sản BVĐK Quảng Ngãi. Trong khi đó, Khoa Sản BV này chỉ có 120 giường bệnh nhưng mỗi ngày tiếp nhận 160-170 ca, lúc cao điểm lên đến 200 sản phụ, riêng mổ là 20-30 ca. Do đó, vấn đề nhân lực là mấu chốt” - ông Quang giải thích.
Để khắc phục tình trạng này, mới đây một hội thảo chuyên đề về hạn chế tai biến sản khoa đã được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức với sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên sâu, có kinh nghiệm từ các BV lớn trong cả nước và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết.
Theo bác sĩ Bạch Cẩm An, Trưởng khoa Sản BV Trung ương Huế, tai biến sản khoa luôn xảy ra bất thường, nhanh chóng, làm nhân viên y tế không kịp trở tay. Vì vậy, khi sản phụ nhập viện, việc thăm khám ban đầu cần phải tỉ mỉ nhằm phát hiện các yếu tố bất thường để kịp thời xử lý. Bác sĩ Võ Thanh Tuấn, Phó trưởng khoa Sản BV Sản nhi Đà Nẵng, cho rằng phải tìm sự đồng cảm với người nhà sản phụ mới có thể kéo giảm tai biến sản khoa. Việc này chỉ có cách duy nhất là đội ngũ y tế làm việc nhiệt tình, thăm khám bệnh nhân chu đáo, người nhà thấy sẽ gần gũi bác sĩ hơn.
Vụ trưởng Vụ Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em Nguyễn Duy Khê đề nghị: Trước mắt, Quảng Ngãi cần phải tăng số lượng đội ngũ y, bác sĩ sản khoa để giải quyết tình trạng bệnh nhân đông quá tải. Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của BV, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các khoa, phòng. Ngoài các trường hợp bất khả kháng, ngành y tế tỉnh cần xem xét kỹ, xử lý nghiêm các trường hợp tắc trách để xảy ra sai phạm.
HÀ MINH - NGUYÊN KHÔI
| |