Dự kiến sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị CG (Nhóm tư vấn các nhà tài trợ) cuối kỳ 2011 diễn ra ngày 6-12, nhưng những nét chính của Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) đã được người đứng đầu tổ chức này tại Việt Nam thông báo với báo giới.
Theo đó, WB đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5,8% trong năm 2011, là mức thấp trong chỉ tiêu vừa được Chính phủ báo cáo với Quốc hội (từ 5,8%-6%), song vẫn được coi khá cao so với thế giới và khu vực. Báo cáo nhận định, việc thực hiện Nghị quyết 11 bắt đầu có kết quả và WB đánh giá cao điều này.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức tồn tại của nền kinh tế Việt Nam như giảm thâm hụt ngân sách nhờ tăng doanh thu nhưng ít nỗ lực giảm chi tiêu dù chi tiêu hiện ở mức cao; nợ của Việt Nam vẫn luôn ở mức cao và trở nên xấu hơn kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu cuối năm 2008. Tổng nợ nước ngoài ước tính đã lên 42% của GDP vào cuối năm 2010, tăng gần 10 điểm phần trăm so với cuối năm 2007. Việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước được WB thúc giục phải đẩy mạnh hơn nữa.
Còn ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 5%-6%/năm và đang thu hút vốn đầu tư khá mạnh, nhưng nếu không muốn tụt hậu, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách, như Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và các chương trình khác. Tái cơ cấu khu vực ngân hàng là một mục tiêu và cũng là một nguồn lực giúp Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong con mắt ông và nhiều nhà tài trợ khác, hiện Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình và khi đã ở tầm phát triển như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. Cơ cấu nguồn vốn sẽ thay đổi theo hướng tỷ lệ vay thương mại sẽ tăng lên, các điều kiện ưu đãi ít đi; đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng hiệu quả hơn. Việt Nam cũng cần nhiều hơn lực lượng lao động có kỹ năng cao, để làm gia tăng giá trị cho sản xuất; đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng...
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam cũng đã không ngại nói thẳng, nhiều quốc gia khác trong khu vực đang cạnh tranh khá quyết liệt với Việt Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và thậm chí đang làm tốt hơn Việt Nam. Indonesia chẳng hạn. Theo ông, dân số nước này còn đông hơn Việt Nam, lại tăng trưởng tốt trong khủng hoảng, đồng thời có yếu tố có phần thuận lợi hơn đối với hoạt động doanh nghiệp…
Lưu ý rằng chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của Việt Nam do EuroCham thực hiện đã giảm từ 78 xuống 52 điểm trong vòng một năm qua, thể hiện sự sụt giảm lòng tin, ông Cany nhìn nhận, điều này không chỉ là do bất ổn kinh tế vĩ mô, mà còn xuất phát từ nhiều hạn chế đã được đề cập vẫn chậm được khắc phục. “Điều quan trọng trong những nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam là không đưa ra các thủ tục hành chính không cần thiết mới trong khi vẫn đang đơn giản các thủ tục hành chính cũ”, người đứng đầu EuroCham nhắc nhở.
Những tiếng nói thẳng thắn như vậy chắc chắn sẽ còn vang lên tại Hội nghị CG lần này, trong bối cảnh nguồn vốn trên thế giới không dồi dào và nhiều nhà tài trợ cũng đang phải đương đầu với những khó khăn ở chính quốc. Hãy cùng chờ đợi với tinh thần dám nghe những điều gai góc, dám nhìn thẳng vào những yếu kém để cùng tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả nhất.
ANH THƯ