Nơi tình thương chắp cánh

Năm học mới bắt đầu cùng một sơ cở mới, nơi có em học nghề, học chữ, hay chữa bệnh. Mọi yêu thương gửi gắm một ước mong các em có thêm cơ hội để phát triển mà chẳng phải lo lắng vì mình là trẻ khiếm khuyết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà sinh hoạt cùng các con ở cơ sở
Bà Nguyễn Thị Thu Hà sinh hoạt cùng các con ở cơ sở

1. Cô bé mỉm cười rồi vỗ tay, khi thấy bạn thực hiện một tiết mục nhảy trên sân khấu, nhưng em chẳng thể nghe được tiếng nhạc vì em bị câm điếc bẩm sinh. Cuộc trò chuyện bằng những dòng tin nhắn, em viết tên là Nguyễn Thị Quỳnh Nga, quê Quảng Ngãi, năm nay 21 tuổi. Sau khi theo học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), Quỳnh Nga được ban giám đốc trung tâm đưa vào cơ sở 2 (108 Bàu Trâm, xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM) để tiếp tục học nâng cao nghề cắt tóc.

Nga giơ tay dừng lại cuộc trò chuyện đôi chút, cô bé ngồi thật ngoan và chăm chú dõi theo mẹ Hà và một cô giáo đang thực hiện động tác tay, để trẻ khiếm thính hiểu được lời người khác đang nói. “Thứ hai mẹ Hà sẽ cho xe đưa các con đi học, cuối tuần mẹ Hà đón các con về đây. Đi học phải thật ngoan, có chuyện gì phải báo cho mẹ Hà biết, mẹ sẽ cùng các con xử lý vấn đề”, lời mẹ Hà vừa dứt, tay cô giáo dừng lại, Quỳnh Nga cùng các bạn gật đầu như một lời hứa với mẹ Hà, rồi cả lớp vỗ tay.

Cơ sở 2 - Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn như một điểm dừng chân để đồng hành xa hơn với các em nhỏ khuyết tật, trên những bước đường tương lai. Sau khi học tập ở cơ sở 1, các em có khả năng tiếp thu và phát triển trội hơn sẽ được đưa vào TPHCM tiếp tục học chữ, học nghề nâng cao… 

2. May mắn hơn các bạn ngồi bên cạnh, Phương Anh Tuấn (27 tuổi, quê Quảng Ngãi) có thể nghe và nói bình thường, nhưng việc học cũng đành dở dang ở lớp 9, bởi sức khỏe của Tuấn yếu ớt từ khi lọt lòng mẹ. Căn bệnh lạ làm đôi chân của thanh niên tuổi 27 rút lại bé xíu, có lúc tưởng chừng đi không được nữa và lưng bị gù. Hơn 2 tháng vào học ở trung tâm - cơ sở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, Anh Tuấn tiếp tục cùng mẹ vào cơ sở 2 của trung tâm để chữa bệnh.

“Nhà có 2 đứa nhỏ, Tuấn là anh lớn mà bệnh từ hồi mới sinh ra, cũng may em nó khỏe mạnh. Tuấn nó mê học hành lắm, nhưng mà bệnh từ nhỏ, học được tới lớp 9 thì sức khỏe yếu quá, có khi phải nằm cả ngày, ngồi cũng không nổi nên không thể tiếp tục đến trường”, cô Trịnh Thị Đi (mẹ Tuấn) kể.

Cũng đôi lần cô Đi đưa con vào TPHCM chạy chữa, với hy vọng bệnh tình phần nào thuyên giảm, nhưng phần vì gia cảnh khó khăn, phần vì lạ nước lạ cái, chưa tìm được bệnh viện phù hợp. Nhiều lần cô nhìn con rồi lặng lẽ khóc. Cô tâm sự: “Bữa nào mệt quá phải nằm cả ngày, hôm nào đỡ chút con lấy điện thoại rồi lên mạng tìm hiểu kiến thức này kia. Tự Tuấn lên mạng tìm thông tin Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, rồi xin ba mẹ cho phép tới đó học”.

3. Năm học mới cùng một cơ sở mới ở TPHCM, thêm một niềm mong mỏi bấy lâu thành hiện thực, nhưng cũng không ít lo lắng vẫn canh cánh trong lòng mẹ Hà. Bà chia sẻ: “Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn thành lập từ năm 2014, đến nay mọi thứ cũng đi vào hoạt động ổn định với sự giúp sức của thầy cô giáo, nhân viên và rất nhiều các đơn vị, nhà hảo tâm. Nhưng tôi cứ trăn trở hoài, mình giúp các con biết chữ, biết nghề nhưng đâu thể chỉ có như vậy. Dù các con là trẻ khuyết tật, nhưng qua một thời gian học ở trung tâm, nhiều con khả năng phát triển và tiếp thu tốt lắm. Nên tôi nghĩ đến việc thành lập cơ sở 2 ở TPHCM, để đưa các con vào đây học nghề nâng cao, có khả năng nữa sẽ theo học đại học”.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, các đơn vị hỗ trợ, nhà hảo tâm góp sức cùng trung tâm ít nhiều giảm bớt. Có thời điểm trong năm 2021, trung tâm phải giảm 50% phụ cấp của giáo viên và bảo mẫu… Nhưng hơn hết là cái tình và nhìn sự tiến bộ mỗi ngày của các con, mà mọi người ở lại với tất cả yêu thương. 

Mẹ Hà chia sẻ: “Để duy trì đường dài, mình phải tự lực trong mọi hoạt động, mà hiện tại trung tâm cũng có vườn rau, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn; có cơ sở dạy nghề, các con học và làm ra sản phẩm để có thêm một nguồn kinh phí duy trì trung tâm. Trong những bước tiếp theo, tôi và mọi người ở trung tâm sẽ có gắng để tự chủ dần dần mọi thứ”.

9 bạn trẻ ở cơ sở 1 - Quảng Ngãi được đưa vào cơ sở 2 - TPHCM, đã đến lớp học nghề, riêng Anh Tuấn cùng mẹ được xe đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Nhìn con vui cười cùng các bạn, cô Đi ứa nước mắt: “Ở nhà chỉ có ông xã là lao động chính, khó khăn lắm, đâu có nhiều cơ hội để đưa con đi bệnh viện. Lần này, cô Hà đưa hai mẹ con vô TPHCM, hướng dẫn tới bệnh viện để điều trị, cả nhà mừng lắm. Mong con khỏi bệnh, được học nghề, học chữ…”.

Nếu trước hoàn cảnh bệnh tật, cô Đi đặt niềm tin vào y học cứu lấy sức khỏe con mình, thì chúng tôi cũng đặt trọn niềm tin vào tình thương ở 2 cơ sở của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, bởi chỉ có tình thương mới khiến những người xa lạ vì nhau đến thế…

Để tiếp sức cùng 2 cơ sở của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, Báo SGGP trân quý tiếp nhận đóng góp từ các đơn vị, nhà hảo tâm thông qua số tài khoản: 31010000231438 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh HCM. Nội dung: ủng hộ Trung tâm Võ Hồng Sơn.

-------------------

“Mẹ Hà” mà chúng tôi nhắc đến ở đây là bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Xuất phát từ tâm nguyện của chồng là cố nhà báo Võ Hồng Sơn (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo SGGP), năm 2014, bà Nguyễn Thị Thu Hà thành lập trung tâm tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Và nay, cơ sở 2 của trung tâm vừa được đưa vào sử dụng tại huyện Củ Chi, TPHCM.

Tin cùng chuyên mục