Những ngày này, nông dân các tỉnh thành ĐBSCL đang nhộn nhịp đón tết. Từ những vùng quê đến các thị tứ, nhà cửa khang trang, cờ hoa rực rỡ báo hiệu một cái tết vui tươi, sung túc. UBND các tỉnh cho biết, nhờ nông thủy sản được mùa - được giá nên nhiều gia đình “ăn tết” xôm tụ.
- Đời sống khá lên
Tết này, gia đình nông dân Lâm Văn Đời ở ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Khánh huyện Phong Điền, TP Cần Thơ chính thức được công nhận thoát nghèo. Mừng ra nước mắt, ông Đời xúc động: “Tôi là cựu chiến binh, từng chiến đấu 6 năm ở chiến trường Campuchia. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương, tôi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, ngoài ra còn được bảo lãnh vay ưu đãi 9 triệu đồng để trồng cây ăn trái, hoa màu trên diện tích 3.000m² đất, thu nhập đủ sống hàng ngày. Số tiền còn dư, tôi thuê 3 công đất ruộng làm lúa và cho đứa con trai lớn học nghề cơ khí. Nay các con ra trường, sản xuất lúa cũng trúng mùa, sau khi trừ chi phí còn dư gần 70 giạ lúa. Đời sống giờ đây được cải thiện nên tôi mạnh dạn đăng ký ra khỏi danh sách hộ nghèo”.
Sau một năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Khánh đã đạt 18/20 tiêu chí. Ông Lê Hoàng Danh, Phó chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Năm 2011, xã vận động xây được 44 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; làm thủ tục công nhận 27 hộ thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17 - 20 triệu đồng/người/năm, tăng gần 1/3 lần so với cuối năm trước. Đặc biệt, người dân rất phấn khởi khi được chọn là xã điểm chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất trị giá hơn 22 tỷ đồng làm giao thông nông thôn. Đến nay, toàn xã có 50% số hộ khá giàu, 40% hộ trung bình. Chất lượng cuộc sống của người dân nâng lên rõ rệt, nhờ lúa và cây ăn trái…”.
Từ vùng tứ giác Long Xuyên, nông dân sản xuất giỏi Thạch Văn Thơ (61 tuổi) ở xã nông thôn mới Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang hồ hởi: “Dân ở đây năm nay ăn tết khá lắm vì 3 vụ lúa đều được mùa, trúng giá. Nhà tôi canh tác 10 ha lúa, năm rồi làm 3 vụ năng suất đạt từ 9 - 12 tấn/ha/vụ, nhờ đó dư tiền sắm tết”.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,8 tỷ USD. Đa phần người nuôi cá tra đạt lợi nhuận khá cao, vì được giá và ít rủi ro hơn năm 2010. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: “Nhìn chung năm qua, chỉ có tháng 5, 6 và 7 giá cá tra giảm mạnh; phần lớn thời gian còn lại giá khá cao, thuận lợi cho người nuôi, thu lãi từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Năm 2011, HTX nuôi đạt sản lượng 11.000 tấn cá, đều có lợi nhuận cao. Đời sống xã viên, người lao động được nâng lên rõ rệt. Tết này nhiều hộ bán cá thu lời vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, nhờ đó không khí đón tết rất sôi động”.
Nhà vườn... ăn tết lớn
Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái đang lo hàng bán tết. Tại Bến Tre, thương lái ráo riết săn lùng bưởi da xanh với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Tại vùng bưởi năm roi rộng 1.300 ha ở xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) dù sản lượng bưởi tết ít nhưng giá cao nên ai cũng phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một vườn bưởi ở xã Mỹ Hòa bộc bạch: “Bưởi tết được giá cao nhất trong năm, hiện thương lái mua tại vườn từ 110.000 - 200.000 đồng/chục (12 trái), giá này đảm bảo cho nhà vườn có tiền mua sắm tết”.
Ông Huỳnh Văn Sang, Phó Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Đây là năm thứ 3 liên tiếp làm ăn thuận lợi nên các xã viên ăn tết phấn khởi. HTX đang giao 30 tấn xoài tết theo hợp đồng đã ký với các công ty trong nước với giá 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX vừa giao cho đối tác Trung Quốc 4 container phục vụ thị trường tết. Hiện chúng tôi đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, khuyến khích nhiều hộ khác cùng tham gia xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn”.
Năm nay, nhiều hộ nông dân đầu tư sáng tạo những mặt “hàng độc” được thị trường ưa chuộng có giá cao ngất ngưỡng. Nông dân Trần Thanh Liêm, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho ra lò 200 cặp dưa hấu hình thỏi vàng, có chữ “Phước” (nổi) với giá bán 3,5 triệu đồng/cặp. Đặc biệt, ông Liêm còn sản xuất thành công 10 cặp dưa hấu hình xe Mercedes, bán với giá 10 triệu đồng/cặp, không đáp ứng nổi nhu cầu của khách hàng TPHCM, Hà Nội... Ông Liêm nhẫm tính: “Trong đợt tết này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 600 triệu đồng từ các mặt hàng độc. Số tiền trên dư sức ăn tết lớn”.
Trong khi đó, các nhà vườn ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đang khẩn trương thu hoạch 8.000 trái bưởi hồ lô để giao khách hàng đã đặt trước với giá 300.000 - 700.000 đồng/cặp. Trong số này, hơn 2.000 trái được “xử lý” có chữ nổi “tài - lộc” khiến trái bưởi tăng thêm giá trị. Độc đáo hơn, các nông dân nơi đây còn sản xuất được 1.000 trái dưa hấu hình hồ lô.
Ông Võ Trung Thành, một chuyên gia tạo dáng trái cây hồ lô phấn khởi nói: “Sản phẩm mới này được đặt tên “hoàng kim hồ lô”, trồng theo phương pháp truyền thống, không sử dụng phân bón hóa học. Toàn bộ 1.000 trái dưa đã có đơn đặt hàng với giá 1,5 - 3,5 triệu đồng/cặp. Như vậy, tổng thu nhập từ 4.000 cặp bưởi hồ lô và 500 cặp dưa hấu hồ lô của các nhà vườn xã Phú Tân thu về khoảng 5 tỷ đồng. Số tiền khá lớn để đón cái tết sung túc”.
BÌNH ĐẠI