Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn khi sản xuất không chỉ để tạo ra các loại nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe của chính nông dân và người sử dụng, mà còn để giúp tiết kiệm chi phí vật tư đầu vào, nhất là trong tình hình bão giá hiện nay.
Sau 5 tháng triển khai thí điểm, đến đầu tháng 6-2022, các chuyên gia về trồng trọt và bảo vệ thực vật đã mở xong 18 lớp tập huấn kỹ năng cho 540 nông dân, 1 lớp tập huấn cho 60 cán bộ kỹ thuật và 2 lớp cho 129 chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại địa phương này.
Hưởng ứng phong trào, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cũng vào cuộc, huy động 700 nông dân tham gia thu gom bao gói, chai lọ thuốc BVTV đã sử dụng vứt trên đồng ruộng với tổng lượng thu gom được 3.857kg.
Chương trình đã xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 400ha tại Lấp Vò và Sa Đéc, với khoảng 500 hộ nông dân tham gia.
Theo ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, tiết kiệm sẽ được thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp đến năm 2026, hướng tới mở rộng ra các địa phương lân cận, định hình vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long.