Vùng ven quận Thủ Đức, 7, 9 và 12 hiện có khá nhiều khu quy hoạch, dự án treo, gây khó cho hàng ngàn gia đình nông dân khi ruộng vườn bị bỏ hoang, cần chỗ ở nhưng không thể dựng nhà.
Vườn hoang, nhà tàn
Chuyển từ huyện lên quận, năm 2002, Thủ Đức có quy hoạch đầu mối giao thông ga Bình Triệu, diện tích 60ha. Kể từ đó, nhà cửa, ruộng vườn của hàng ngàn hộ dân ở khu phố 6 phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức rơi vào trạng thái “đóng băng”. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án khu dân cư mới được xây dựng, đường sá được nâng cấp, tôn cao, trừ trong khu quy hoạch khiến mùa mưa nước đọng, mùa nắng khô làm cây xanh chết dần, ruộng vườn hoang hóa.
Những vườn mai, rau quả nổi tiếng một thời, là nguồn sống của nông dân bị thu hẹp dần, nhường cho cỏ dại. Cuộc sống khó khăn, người dân bán dần ruộng vườn. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân đến từ việc cải tạo, ngăn nhà hay xây phòng trọ cho thuê. Nhưng như ông Võ Văn Quang, Tổ trưởng tổ 41, cho biết, đất đai bỏ hoang nhưng người dân không thể xin giấy phép xây dựng, nhiều gia đình phải xây “lậu” và bị cưỡng chế tháo dỡ nhiều lần.
Tại quận 9, tách ra từ huyện Thủ Đức, năm sau 1999, hàng chục hộ nông dân ở đường Lò Lu phường Trường Thạnh bị thu hồi nhà cửa, ruộng vườn giao cho Công ty TNHH Xây dựng - Giao thông Nhị Hiệp (nay là Công ty Tài Lộc) để xây dựng cơ sở sản xuất giày xuất khẩu. Đã 15 năm, 42 hộ nông dân vẫn chưa được công ty đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Nhà máy được xây dựng xen lẫn với nhà cửa, vườn tược người dân nên đất đai bị đọng nước, chất thải từ nhà máy chảy ra gây ô nhiễm nặng…
Tương tự, khi quận 12 thành lập cũng là thời điểm hơn 100ha đất nông nghiệp được quy hoạch làm khu công nghiệp. 3 năm trước, chính quyền ra thông báo tháo bỏ quy hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Đi không được, ở không xong
Cuộc sống của hàng ngàn gia đình nông dân trong các quy hoạch, dự án treo chịu quá nhiều thiệt thòi. Người nông dân không thể rời nhà cửa, ruộng vườn đi nơi khác vì chưa được đền bù, còn ở lại cũng không làm ăn gì được.
Theo quy định pháp luật, đối với dự án đã có quyết định giao đất, người dân không được sang nhượng, mua bán, chuyển mục đích, làm nhà và sau 1 năm không thực hiện sẽ bị thu hồi. Đối với khu quy hoạch, người dân vẫn được chuyển mục đích sử dụng đất, mua bán sang nhượng và sau 3 năm không thực hiện phải được điều chỉnh. Những quy định này phần nào chia sẻ thiệt thòi với nông dân ở khu dự án, quy hoạch. Thế nhưng, thực tế chính quyền các cấp cũng như chủ đầu tư chưa tuân thủ thực hiện.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện quyền của người dân về sử dụng đất ở các khu quy hoạch treo như chuyển mục đích sử dụng đất, sang nhượng. Với chỉ đạo này, người nông dân có thể chuyển mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng nhà trọ cho thuê và xây nhà ở cho gia đình một cách hợp pháp. Dẫu rằng, đây chỉ là biện pháp tạm thời, nhưng phần nào đã giải quyết khó khăn cho nông dân và loại bỏ được nạn xây nhà trái phép ở các quận vùng ven hiện nay.
Trần Yên