Nông thôn mới ở xã nghèo Hiệp Phước

Hiệp Phước là xã vùng sâu và rộng nhất của huyện Nhà Bè (TPHCM), cả xã lại nằm trong vùng quy hoạch. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy xã, dù còn nhiều khó khăn, song an sinh xã hội luôn được đảm bảo, đời sống người dân Hiệp Phước đang khá hơn; cả xã cùng nhau xây dựng nông thôn mới - khu đô thị cảng.
Nông thôn mới ở xã nghèo Hiệp Phước

Hiệp Phước là xã vùng sâu và rộng nhất của huyện Nhà Bè (TPHCM), cả xã lại nằm trong vùng quy hoạch. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy xã, dù còn nhiều khó khăn, song an sinh xã hội luôn được đảm bảo, đời sống người dân Hiệp Phước đang khá hơn; cả xã cùng nhau xây dựng nông thôn mới - khu đô thị cảng.

Xã Hiệp Phước duy trì bữa ăn từ thiện phục vụ 150 suất ăn/ ngày cho học sinh nghèo. Ảnh: CTV

Sống chung với quy hoạch

Cả 4 ấp ở xã Hiệp Phước đều có nhiều sông, rạch, hẻm sâu nên phát triển mạng lưới nước sạch rất khó khăn. Cuối năm 2013, đề án xây dựng nông thôn mới của xã mới được TP phê duyệt. Xuất phát điểm, xã chỉ đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nước sạch là 1 trong 7 tiêu chí chưa đáp ứng được. Vào lúc cao điểm mùa khô, người dân khu vực ấp 2 và một phần ấp 3, ấp 4 ven sông Kinh Lộ phải mua nước sạch với giá 120.000 - 130.000 đồng/m³.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Vinh chia sẻ, người dân thì nghèo mà lại phải chi một số tiền quá lớn để mua nước sạch. Trước tình trạng đó, Đảng ủy quan tâm chỉ đạo phát triển mạng lưới thủy cục; yêu cầu UBND xã phối hợp thực hiện tốt phát triển hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã. Đến nay, xã đã lắp đặt được gần 1.100 đồng hồ nước, đường ống nước trên các trục đường chính.

Riêng khu vực hẻm sâu ở ấp 2, ấp 3, 4 ven sông, xã triển khai 25 điểm cấp bù nước với các bồn chứa từ 4 - 10m³. Ở ấp 2, cầu chỉ cho xe trọng tải 1 tấn trở xuống lưu thông, xe của công ty dịch vụ công ích quá lớn, không lưu thông được, xã phải thuê người đảm nhận chuyên chở nước tới các điểm. Ở ấp 3, ấp 4, phải dùng ghe chở nước phục vụ dân. Nhờ đó, toàn bộ 672 hộ dân ở các khu vực xa xôi đã được dùng nước sạch với giá công ty, 13.000 đồng/m³. Tỷ lệ người dân sử dụng nước đạt yêu cầu trong xã cũng tăng lên với 95%, xã đã hoàn thành chương trình trọng điểm, đạt chỉ tiêu đề ra.

 

* Đảng bộ xã Hiệp Phước có 169 đảng viên. Hàng năm, tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đạt 150% chỉ tiêu đề ra. Qua phân tích đánh giá chất lượng cơ sở Đảng, kết quả 100% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và trên 98% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ. Không có trường hợp nào phản ánh về số cán bộ, công chức, đảng viên và đáp ứng mức độ hài lòng của nhân dân 98% trở lên. 3 năm liền (2011 - 2013), Đảng bộ xã Hiệp Phước là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

 

Do nằm trong vùng quy hoạch định hướng xây dựng xã thành khu công nghiệp - đô thị cảng, một số quyền cơ bản của người dân theo quy định của Luật Đất đai bị hạn chế như chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng (việc xây dựng chỉ cấp phép tạm)… Đảng ủy xã đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc xây dựng, san lấp. Trong năm 2014, phát hiện và xử lý dứt điểm 13/14 trường hợp vi phạm, riêng 1 trường hợp đang chờ ý kiến của Sở Xây dựng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Sáng, tuy tình hình xây dựng không phép, sai phép tăng trong những năm qua nhưng các trường hợp vi phạm đều được phát hiện kịp thời. Khi phát hiện, xã đã tuyên truyền, vận động và người dân tự giác chấp hành tháo dỡ công trình. Trước nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao, xã cũng tạo điều kiện cho người dân xây mới (cấp phép tạm), sửa chữa nhà ở nguyên trạng. Giờ đây, dọc hai bên đường Nguyễn Văn Tạo và các tuyến đường chính trong xã, hàng loạt ngôi nhà khang trang, biệt thự đã mọc lên, tạo diện mạo mới với địa bàn vùng sâu.

Cũng do chương trình quy hoạch chung nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn của địa phương còn chậm. Song, nhu cầu về đường sá phục vụ đi lại của người dân thì không thể chờ. Được Đảng ủy quan tâm thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, hàng năm, xã đã kịp thời xây mới, duy tu, sửa chữa theo hiện trạng được 5 - 10 cây cầu; dặm vá, sửa chữa, nâng cấp thường xuyên các tuyến đường liên ấp nhằm đảm bảo việc đi lại của nhân dân.

Bừng lên xã nghèo

Theo đánh giá, Đảng ủy xã Hiệp Phước đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế theo hướng từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Bước chuyển đổi có sự tham gia tích cực của người dân.

Anh Võ Cường Lâm (23 tuổi, ngụ 180/1 ấp 2) khởi nghiệp từ năm 20 tuổi với diện tích 1.000m² nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, diện tích nuôi tôm mở rộng gấp 5 lần, tạo thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình với lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Anh Mai Văn Mười (37 tuổi), phát triển cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi và kinh doanh chăn nuôi heo rừng lai. Hàng năm, cơ sở có lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng và tạo điều kiện cho hơn 20 lao động trong vùng có việc làm ổn định. Cả xã có 220 hộ nuôi tôm mang lại thu nhập từ 30 - 500 triệu đồng/hộ.

Điểm phấn khởi là giờ đây ở Hiệp Phước đã bắt đầu hình thành cơ bản diện mạo của khu đô thị gắn với cảng biển, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TPHCM hướng ra biển. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Vinh cho biết, KCN Hiệp Phước hình thành, sau khi nạo vét luồng Soài Rạp, Hiệp Phước có thể đón tàu 50.000 tấn cập cảng.

“Cùng với hệ thống cảng, đường giao thông kết nối cảng với khu vực đô thị, việc hình thành khu công nghiệp đô thị cảng đã có dáng dấp hình thành. Hiệp Phước đang bừng sáng. Giấc mơ của người dân Hiệp Phước và TP đang thành hiện thực và người dân sẽ được thụ hưởng cuộc sống mới, văn minh, hiện đại, bù trừ cho bao vất vả, khó khăn, thiệt thòi trong thời gian qua”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Phước Nguyễn Thanh Vinh tin tưởng.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục