NSND Lê Tiến Thọ: Hô hào không thể vực dậy nền sân khấu

Với bề dày 55 năm lịch sử hình thành và phát triển, sau thời kỳ được coi là đỉnh cao khi người người đến rạp, ngành sân khấu Việt Nam giờ đây đang có dấu hiệu nghệ sĩ bỏ đoàn, khán giả bỏ rạp. Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ (ảnh), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.* Phóng viên:
NSND Lê Tiến Thọ: Hô hào không thể vực dậy nền sân khấu

Với bề dày 55 năm lịch sử hình thành và phát triển, sau thời kỳ được coi là đỉnh cao khi người người đến rạp, ngành sân khấu Việt Nam giờ đây đang có dấu hiệu nghệ sĩ bỏ đoàn, khán giả bỏ rạp. Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ (ảnh), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

* Phóng viên:
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sân khấu không còn hấp dẫn khán giả, theo ông có phải do sân khấu chưa được đầu tư chiều sâu?

* NSND Lê Tiến Thọ: Đầu tư chiều sâu phải đúng nghĩa là sâu thật. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, văn bản, chỉ đạo nhưng đưa vào thực tế thì còn xa vời. Nhiều lãnh đạo nhận thức văn hóa là nền tảng, động lực, nhưng không có giải pháp thì làm sao đầu tư nông hay sâu được. Giải pháp quan trọng nhất là đào tạo con người.

Không giống như kinh tế, khi có tiền, ta có thể dễ dàng mua được công nghệ tiên tiến, hiện đại để đưa khoa học cất cánh. Hôm nay ta chỉ cần có tiền đi thuê thiết bị hiện đại thì 5 năm sau đã có sự chuyển đổi rõ rệt có thể nhìn thấy được. Nhưng văn hóa nghệ thuật thì hoàn toàn khác. Việc đầu tư không chỉ 5 năm, 10 năm là có dàn nghệ sĩ, biên kịch, đạo diễn giỏi mà phải đầu tư 50 năm thì mới có được chiều sâu ấy...

Văn học nghệ thuật trong thời kỳ chống Mỹ, chúng ta có một lực lượng văn nghệ sĩ được đào tạo tốt, cộng với sức mạnh, ý chí quật cường của dân tộc đã hun đúc, tạo ra được những tác phẩm văn học nghệ thuật sống động như vậy. Nhưng khi bước vào thời kinh tế thị trường, ta bị hẫng hụt, và văn hóa, văn học nghệ thuật chỉ mới dừng ở bước hô hào mà vô tình bỏ quên đào tạo con người.

* Phải chăng các vở diễn có chân dài, gây tò mò, gây sốc mới hút được khán giả?

* Sân khấu nào thì khán giả đó. Phải luôn nhớ rằng khán giả là thượng đế. Tuy nhiên, với người làm nghệ thuật nếu chỉ mải mê chạy theo những thị hiếu, sở thích nhất thời của khán giả mà đánh mất giá trị nghệ thuật của tác phẩm là điều tối kỵ. Cái khó của các nhà hát bây giờ là phải đi vững giữa hai lằn ranh thị trường và nghệ thuật. Như một người làm xiếc trên dây, chỉ cần nghiêng ngả về bất cứ bên nào cũng đối mặt với nguy cơ đổ ngã. Nếu cứ dễ dãi chiều thượng đế mãi thì cũng sẽ phải chấp nhận việc thượng đế sẽ quay lưng lại với họ. Hiện nay, có một số đơn vị nghệ thuật, một số tác phẩm cũng đã tự cân bằng được mình giữa hai lằn ranh ấy nhưng tiếc thay, số lượng đó còn vô cùng ít ỏi.

* Hiện tượng giới trẻ điên đảo vì các ngôi sao, nghệ sĩ nước ngoài đến mức có hành động hôn ghế thần tượng, có phải do chúng ta chưa tạo ra được những hình tượng riêng trong từng lĩnh vực nghệ thuật?

* Hình tượng, thần tượng được tạo ra hay không một phần lớn là nhờ giá trị của chính các tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta tạo ra và một phần cũng do sức mạnh của truyền thông. Tác phẩm hay, diễn viên giỏi nhưng không đến được với công chúng thì cũng vô nghĩa; trong khi đó, trên đài, báo, truyền hình mỗi ngày, mỗi giờ ta đều bắt gặp hình ảnh, câu chuyện về các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, phim ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc… thì việc giới trẻ sùng bái sao ngoại cũng là việc dễ hiểu.

Khi còn làm Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, tôi đã đề nghị Cục Điện ảnh, hãng phim hoạt hình làm đề án làm phim cho thiếu nhi, để ngay từ bé các cháu đã được thấm nhuần các câu chuyện cổ tích của Việt Nam như Thạch Sanh, Tấm Cám… được che chở trong những lời ru ngọt ngào của những câu dân ca Việt Nam. Khi mà tâm hồn nghệ thuật của các em được nuôi dưỡng, bồi đắp ngay từ tấm bé thì lớn lên với nền tảng văn hóa tinh thần vững chắc ấy chắc chắn các em sẽ có được bộ lọc, có được cách thẩm thấu văn hóa tốt.

Về nguyên tắc thì nhà hát tuổi trẻ, nhà hát múa rối… là dành cho thiếu nhi, nhưng trong thời gian qua, các đơn vị này đôi lúc đã có bước phát triển chệch hướng. Tiếc thay, lỗ hổng văn hóa từ thời thơ bé ấy đến thời điểm này chưa được bồi đắp.

* Phải chăng, tình hình sân khấu sa sút cũng một phần do lực lượng phê bình nghệ thuật ngày càng thiếu và yếu?

* Một trong những nguyên nhân khiến tác giả ít được biết đến, tác phẩm không có sức bật để tạo ra những đỉnh cao mới chính là sự yếu kém của lực lượng phê bình. Giờ đây, một vở diễn ra đời thì bình luận chung chung, khen chê nửa vời. Thêm nữa, chúng ta cứ nghe khen mãi rồi đâm quen. Bệnh thích khen đã tồn tại lâu quá khiến có ý kiến nào đi ngược lại, phê bình thì lại bị cho là “chê” có động cơ, hoặc có mâu thuẫn thù hằn cá nhân…

Thực tế, bài viết phê bình đã không có được thù lao xứng đáng, người viết thì bị quy kết là soi mói, thiếu tích cực… điều này cũng khiến lực lượng phê bình ít dần đi. Thực tế cho thấy, đội ngũ đào tạo lý luận phê bình mai một đã đành nhưng lực lượng kế cận chịu học chuyên ngành này cũng vô cùng hiếm hoi, không mấy ai đi theo được con đường này.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục