NSƯT Thanh Quý: Luôn bị hấp dẫn bởi những vai diễn mới mẻ

Khán giả mê phim truyền hình không còn xa lạ với NSƯT Thanh Quý. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1958 đã tham gia hàng loạt phim ăn khách như Cổng trời, Chuyện tình bên dòng sông, Ngõ đàn bà, Ăn mày dĩ vãng, Mùa lá rụng… Nửa thế kỷ gắn bó với nghề diễn, NSƯT Thanh Quý đã để lại những dấu ấn khó quên với khán giả. 
NSƯT Thanh Quý trong bộ phim đang được yêu thích trên màn ảnh nhỏ Thương ngày nắng về
NSƯT Thanh Quý trong bộ phim đang được yêu thích trên màn ảnh nhỏ Thương ngày nắng về

1. Nghệ sĩ Thanh Quý thuộc tuýp diễn viên có thể để lại dấu ấn trong nhiều dạng vai, bất kể chính - phụ, xấu - tốt. Là một trong những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh suốt gần 20 năm nay, chị đảm nhận nhiều tuyến nhân vật từ người phụ nữ đanh đá, sắc sảo như Lý trong Mùa lá rụng, đến bà trùm tàn ác tên Hương trong Đầm lầy bạc, hay bà Minh đầy khó hiểu trong Hôn nhân trong ngõ hẹp…

Đến với điện ảnh sớm, rất tình cờ, đó cũng không phải là mơ ước thời trẻ, nhưng với sự trân trọng và thái độ nghiêm túc với công việc, nghiệp diễn theo chị đã nhiều năm. Không sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời, song NSƯT Thanh Quý lại cuốn hút bởi phong thái tự nhiên, sự nhạy cảm trong từng phân cảnh và khả năng hóa thân trọn vẹn, lột tả chiều sâu nội tâm và thế giới tình cảm của nhân vật. Chính bởi vậy, mỗi vai diễn chị đảm nhận đều ấn tượng bởi sự mới mẻ, khác biệt.

Để đạt được vị trí ấy trong lòng khán giả không hề đơn giản, thế nhưng nữ nghệ sĩ luôn cho rằng, chẳng có bí quyết gì đặc biệt. Chị nói: “Tất cả đều là kiến thức cơ bản được học ở trường. Chẳng hạn như trước mỗi bộ phim cần phải đọc kịch bản để hiểu được hồn của nhân vật, hiểu được tinh thần của nhân vật. Trong cuộc sống, mình nhặt nhạnh những điều mà mình thấy gần gũi với nhân vật, sau đó áp dụng vào. Đặc biệt, khi làm việc, rất cần sự thăng hoa. Nếu nắm được hồn của nhân vật, sẽ có sự thăng hoa trên phim trường, còn nếu không thì mình sẽ bị chông chênh…”.

Về lý thuyết là vậy, song những người làm nghề đều biết NSƯT Thanh Quý là người nghiêm túc khi làm việc và chị trân quý những vai diễn. Khi được mời, được giao vai, chị luôn muốn nhìn thấy ở đó có gì đó hấp dẫn, mới mẻ… và chị có thể làm gì để vai diễn đó có thể chạm vào trái tim của khán giả. Có lẽ, cũng bởi luôn cẩn trọng và cân nhắc như vậy nên khán giả luôn thấy những màu sắc rất mới trong những vai diễn của chị trên màn ảnh.

“Mọi người thường nhận định tôi đã thành công với những vai diễn trong điện ảnh trước đây. Điều đó khiến tôi rất vui và cảm kích, nhưng bản thân tôi cho rằng, mọi thứ vẫn đang ở phía trước, chưa thể khẳng định được điều gì. Tôi không tiếc nuối quá khứ, cũng không bao giờ hoài niệm mãi về ngày xưa để rồi so sánh bây giờ thế này, thế kia. Tôi chỉ nghĩ, đạo diễn thấy diễn viên hợp vai là họ mời thôi, và tôi thấy thích vai diễn đó thì lý do gì lại không nhận...”, NSƯT Thanh Quý tâm sự.

2. Khi nghỉ hưu, chị xuất hiện trên truyền hình nhiều hơn. Đa phần các vai diễn của chị đều là những phụ nữ có vẻ ngoài sang trọng, đài các, khác hoàn toàn với Thanh Quý đời thường giản dị.

Có lẽ cũng bởi vậy vai bà Nga “béo”, một phụ nữ tần tảo, lam lũ hết mực chăm lo cho gia đình, con cái trong Thương ngày nắng về đã khiến khán giả dành nhiều cảm tình, bởi nhân vật quá đời, quá thật. Ai cũng thấy hình ảnh của mình trong đó, từ những nỗi lo thường nhật, từ những câu mắng con hàng ngày và cả những áp lực, vất vả đặt trên vai mỗi phụ nữ. Và NSƯT Thanh Quý cũng dành cho nhân vật này thật nhiều tình cảm, chị nói: “Tôi luôn muốn được đóng dạng vai là người phụ nữ lam lũ, vất vả, mưu sinh, nhưng lại toàn được mời vào vai sắc sảo, ghê gớm. Và rồi, lúc này, tôi cũng được mời vào vai bà Nga, đúng chuẩn mẫu phụ nữ hy sinh cả đời vì con cái…”.

Có lẽ do cuộc sống vất vả từ bé nên không quá khó khi chị nhập vai bà Nga. Thậm chí có những phân đoạn chỉ đọc kịch bản và tập thoại, dù chưa diễn, chưa làm gì, mà mấy mẹ con bà Nga không nhịn được, nước mắt cứ tuôn ra. Bà Nga tần tảo nhưng cũng lắm điều, bà hy sinh nhưng cũng kể lể, bà không câu nệ nhưng cũng sĩ diện, bà lo toan nhưng cũng áp đặt…

NSƯT Thanh Quý kể: “Có những cảnh quay ghi hình xong mà tôi không về nhà được nữa. Đang đi đường phải rẽ vào chỗ nào đấy ngồi, uống cốc cà phê cho tĩnh tại lại, vì thương bà Nga vô cùng… Bà ấy có những sự chọn lựa gây ra sự đau đớn vô cùng cho chính mình. Một cách vô thức, thi thoảng, những tâm tư tình cảm của tôi cũng đi vào nhân vật bà Nga. Còn về cơ bản, khi đã đảm nhận vai, khi tiếng “bắt đầu” của đạo diễn vang lên thì lúc đó tôi không là tôi nữa mà tôi là bà Nga. Nhân vật bà Nga cứ thế dẫn dắt tôi đi”.

Ngoài đời, NSƯT Thanh Quý là một người giản dị, hiền hòa nhưng cũng mạnh mẽ, cá tính. Nửa thế kỷ gắn bó với nghề, chị nếm trải nhiều thăng trầm của nghề làm dâu trăm họ, có những lúc chị cũng thoáng nghĩ về việc có nên dừng lại hay không. Song chị cũng thừa nhận vẫn bị hấp dẫn bởi những vai diễn mới mẻ, khác biệt… Bởi vậy, sau vai “bà mẹ quốc dân” trong Thương ngày nắng về, khán giả sẽ còn nhiều cơ hội để gặp lại nữ diễn viên tài hoa này trong những vai diễn lớn, nhỏ khác.

Tin cùng chuyên mục