NTK Võ Việt Chung: Còn thương nếp lụa, áo dài

“Tôi thích sống cuộc sống bình dị mà không phải bận tâm đến những người xung quanh. Nhưng sự thật là khi đặt chân vào nghề này, bạn phải lạ và đặc biệt”, nhà thiết kế (NTK) Võ Việt Chung bày tỏ như thế trong cuốn sách đầu tay. Anh chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về chặng đường đã qua, tình yêu áo dài và loại vải đáng lẽ đã biến mất khỏi Việt Nam nếu không tìm lại, cho nó đời sống mới - mặc nưa, lãnh Mỹ A.

PHÓNG VIÊN: Cảm xúc của anh thế nào sau khi ra mắt sách Mặc Nưa - Võ Việt Chung?

NTK VÕ VIỆT CHUNG: Tôi vẫn lâng lâng, dù trải qua nhiều khó khăn. Cuốn sách hoàn thành sau hơn 7 năm 7 tháng mà đến ngày ra mắt còn gặp trục trặc. Sau tất cả, tôi vẫn cảm ơn đời. Đôi khi cuộc sống cho ta thử thách khiến mình mạnh mẽ hơn. Có thành công nào không qua thử thách đâu. Nhưng, tôi tin vào sự sắp đặt của số mệnh, cũng tin rằng mỗi người nếu không nỗ lực thì không đạt được những điều mong muốn.

Việc anh trở thành NTK là do số mệnh hay anh chọn?

Tôi nghĩ là cả hai. Ngày xưa, tôi là cậu bé dưới quê. Thời đó, mọi người thích con mình lớn lên làm bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư, chớ mấy ai biết NTK là gì, chỉ biết thợ may thôi. Ba thích tôi học kinh doanh, không cho học ngành thiết kế nhưng má thì cho. Nếu tôi không mạnh mẽ, má không “chắp cánh” ước mơ, đã không có tôi hôm nay. Tới giờ này, với tôi, mọi thứ do sự sắp đặt của cuộc sống. Sự sắp đặt đó là ánh sáng đưa lối cho tôi. Hành trình theo đuổi áo dài, lãnh Mỹ A - một chất liệu có cách đây cả trăm năm từng bị mai một, cũng đi theo ánh sáng đó.

NTK Võ Việt Chung: Còn thương nếp lụa, áo dài ảnh 1 NTK Võ Việt Chung và con trai Nưa, nguồn cảm hứng nghệ thuật mới của anh
Mỗi lần nhắc đến má, anh luôn xúc động. Má là nguồn thương, là nguồn cảm hứng lớn thế nào với anh?

Hổm rày má tôi bệnh nặng, má nay đã hơn 90 tuổi. Có những tháng ngày tôi thấy mình bất lực, biết không làm được gì nữa. Những điều cần làm đã làm, những điều cần nói đã nói... Tình yêu thời trang của tôi bắt nguồn từ chiếc khăn miền Nam của má. Hồi nhỏ, tôi thường lén lấy khăn may đồ cho mấy… con mèo. Má biết nhưng không mắng, mặc tôi tự do sáng tạo. Sau này, khi đi học nước ngoài, thiết kế trang phục gắn chất liệu truyền thống nước mình, hình ảnh má mặc đồ từ lụa lãnh Mỹ A truyền cảm hứng rất lớn. Tôi dùng chất liệu này làm bộ sưu tập áo dài đầu tiên mang tên Mơ về châu Á.

Võ Việt Chung là NTK áo dài hàng đầu Việt Nam. Năm 2020, anh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2019, anh tạo dấu ấn qua chương trình kỷ niệm 25 năm Lãnh Mỹ A - Báu vật ngàn năm. Anh từng 5 lần đoạt giải Mai Vàng hạng mục Nhà thiết kế xuất sắc…

Là NTK Việt đầu tiên làm sách về mình, chuyện tự bạch chắc không dễ?

Làm sách là thành quả của tập thể hơn 100 người. Cuộc đời tôi như được gói trong 250 trang sách do Michael Arnold, Bùi Nguyễn Bảo Quyên chấp bút. Tôi nghĩ làm sách nói về mình cần chân thật, nói những gì trước giờ chưa chia sẻ. Nói về mình luôn khó hơn nói về người khác. Đối diện bản thân để lột tả cho người đọc biết, hiểu con người mình, cần cả dũng cảm. Tôi cũng muốn làm sao bán được nhiều sách để hỗ trợ trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch Covid-19. Do vậy 50% lợi nhuận từ sách sẽ trao lại các em.

20 năm khôi phục, phát triển vải lãnh Mỹ A, với anh thử thách ra sao?

Tôi từng thấy trong mấy tấm ảnh gia đình, bà và má tôi mặc áo bà ba, quần đen kiểu Nam bộ. Má kể rằng loại vải đó có lịch sử lâu đời, nhưng không còn bán ở chợ. Lãnh Mỹ A được nhuộm bằng nhựa của trái dại có tên mặc nưa. Nước mưa làm cho vải càng đẹp, chắc, bóng láng theo thời gian. Lúc đó, má và những người bà con ở Tân Châu, An Giang giúp tái sản xuất lãnh Mỹ A. Hành trình khôi phục, phát triển loại vải này gian truân, đối mặt nhiều thử thách: nguồn nhân lực, nguyên liệu, khung cửi, tài chính... Từng có lần, tôi nghĩ chuyện buông xuôi, nhưng rồi may mắn vượt qua được.

Đến giờ, “giấc mộng” này đã đi đến đâu, trọn vẹn chưa?

Thực sự là chưa. Mấy năm nay vùng trồng cây mặc nưa bị ngập mặn khiến quy trình sản xuất có lúc tạm ngưng, tôi rất buồn. Bây giờ, một số nơi trên thế giới biết về thời trang Việt, bản đồ thời trang đã có lãnh Mỹ A, có mặc nưa… Nhưng, tôi muốn nhiều hơn, rằng lãnh Mỹ A là loại vải cả thế giới biết đến. Giấc mộng đó tôi vẫn mơ và xây mỗi ngày.

Thiết kế áo dài từ năm 1994 và nhiều sản phẩm từ lãnh Mỹ A 20 năm qua, có khi nào anh cạn kiệt sáng tạo?

Chưa bao giờ! Áo dài là báu vật, suốt đời tôi cũng không khám phá hết và tình yêu áo dài luôn bỏng cháy trong tim. Lãnh Mỹ A cũng vậy. Tôi tin rằng, với tâm hồn mình, sự yêu quý của mọi người thì khó mà cạn kiệt sáng tạo.

Cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Thiết kế TPHCM ký kết hợp tác với anh 3 dự án thời trang. Anh mong muốn gì qua sự hợp tác này?

Chúng tôi ký kết tổ chức chương trình Nhà thiết kế thời trang tương lai Việt Nam, Tuần lễ Thời trang quốc tế lụa Việt, Giải thưởng Thiết kế di sản thời trang - giải thưởng thường niên đầu tiên dành cho các NTK. Các chương trình sẽ thực hiện cuối năm nay và trong năm sau.
Tôi tin ở lớp trẻ, họ nhiều ý tưởng, tôi không ngại học hỏi họ. Và mình nên là cầu nối để các thế hệ gặp nhau, cùng chia sẻ thì thời trang Việt mới phát triển.

Tháng 12 tới anh có show được xem là “show thời trang thế kỷ”. Chương trình có gì đặc biệt?

Show thời trang thực hiện đúng 100 năm lãnh Mỹ A có mặt ở Nam kỳ, các bộ sưu tập tôn vinh văn hóa vùng miền, vẻ đẹp của những giá trị di sản vĩnh cửu. Chương trình có hơn 100 người mẫu quốc tế, trong nước và sự tham gia của bà Chu Thị Hồng Anh, Đại sứ Quỹ từ thiện trẻ em Anh quốc - Facing the World, trong vai trò nhà thiết kế cùng tôi.

Chiêm nghiệm hành trình đã qua, anh thấy mình được và mất gì?

Tôi được nhiều hơn mất. Hạnh phúc của tôi là mỗi ngã rẽ đi qua luôn có má, gia đình bên cạnh, luôn liên quan điều tôi đam mê như viết sách, khôi phục và làm mới chất liệu truyền thống, làm phim, hỗ trợ NTK trẻ…

Tin cùng chuyên mục