Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân cả nước đã không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong sự hy sinh lớn lao đó có sự đóng góp của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng. Không chỉ chiến đấu bảo vệ hậu phương, họ còn dũng cảm xông pha nơi tiền tuyến, luồn sâu cả vào vùng địch tạm chiếm, có nhiều đóng góp xuất sắc trong các binh chủng của lực lượng vũ trang.
Sống chết kề bên
Trong không khí hân hoan mừng 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những đồng đội nữ pháo binh năm xưa cùng hội ngộ tại thành phố mang tên Bác với bao xúc cảm bùi ngùi. Ngày 16-4, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã làm cầu nối để những người đồng đội năm xưa gặp lại.
Cuộc hội ngộ tại TPHCM của 309 nữ pháo binh của 17 tỉnh, thành Nam bộ (từ Quảng Trị đến đất mũi Cà Mau) cùng 10 nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn, những pháo thủ gan dạ của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định không nén được những cảm xúc vỡ òa. Người phụ nữ Nam bộ luôn yêu chồng thương con, nhân hậu, thượng võ, trọng nghĩa khí. Nhưng khi đất nước bị xâm lăng, chính những người phụ nữ nhân hậu, chân yếu tay mềm ấy lại sẵn sàng. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, phụ nữ miền Nam là lực lượng xung kích, là đội quân tóc dài trên mặt trận đấu tranh chính trị. Với truyền thống yêu quê hương, Tổ quốc, họ không thể đứng ngoài cuộc chiến để giành lấy độc lập tự do. Có thể nói, chưa có thời kỳ lịch sử nào phụ nữ tham gia chống ngoại xâm một cách đông đảo, rộng khắp như kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt trong các mũi võ trang, các chị, các mẹ không chỉ tham gia du kích, bộ đội địa phương mà còn có mặt trong các đơn vị chủ lực...
Các chiến sĩ nữ pháo binh miền Nam giao lưu với các bạn trẻ TPHCM. Ảnh: LÊ MINH
Trong ký ức của chị Trương Thị Hồng Quân, Trung đội phó đội nữ pháo binh tỉnh Long An, chiến công của các đội nữ pháo binh Long An - Kiến Tường đã góp phần làm nên những trang sử hồng của mảnh đất trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc. Chỉ trong 3 năm, từ 1968 đến 1970, nữ pháo binh Long An đã đánh vào Đức Hòa 416 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục xe tăng, hàng ngàn tên Mỹ - ngụy. Và trận Mậu Thân 1968, cùng với các đồng đội, Khẩu đội trưởng Hồng Quân đã rót hàng chục trái đạn, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, từ năm 1968, các đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau được thành lập và lập chiến công vang dội. Nữ pháo binh Châu Thành bắn rơi cả máy bay phản lực, diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng; Trung đội nữ pháo binh Cái Nước diệt 2 đại đội bảo an, 1 trung đội thám báo, bắt sống gần 200 tên địch, thu hàng trăm súng các loại. “Sự sống và cái chết chỉ kề nhau trong gang tấc thôi. Chiến đấu là vậy còn điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn và vô cùng khắc nghiệt, có khi 2 - 3 ngày chị em mới tắm được một lần”, chị Nguyễn Hồng Thanh, chính trị viên, Trung đội nữ pháo binh Châu Thành, tâm sự.
Chào em, chào những chiến công
Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến trường tỉnh Đồng Nai có đội pháo binh nổi tiếng, được hình thành từ trung đội trợ chiến nhưng được quen gọi là đội cối Xuân Lộc. Ra đời năm 1969, gần 7 năm chiến đấu, đội cối Xuân Lộc đánh liên tiếp 141 trận, diệt hàng trăm tên địch, đẩy lùi nhiều trận càn khiến địch khiếp hãi. Những nữ pháo thủ không chỉ bắn rơi máy bay, xe tăng, đầu xe lửa mà còn bắt sống tù binh. Đội cối Xuân Lộc đã vinh dự được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Anh hùng lực lượng vũ trang. Đội trưởng đội cối Xuân Lộc Đỗ Thị Thuận chia sẻ: “Nhiều người đã nằm xuống cho chúng tôi được sống, có những đồng chí mở đường cho chúng tôi bắn pháo mà hy sinh. Nghĩa tình với đồng đội, chị em càng hăng say lập chiến công”. Tỉnh Sông Bé có đội nữ pháo binh Bến Cát C5 nổi danh với việc sử dụng nhiều vũ khí, cả pháo và cối. Đội có thể tác chiến độc lập, đánh bộ binh, pháo binh và đánh công đồn.
Chiến công của các đội nữ pháo binh là chiến công của sự gắn bó, tình yêu thương của một tập thể. Ít ai ngờ các chiến sĩ nữ pháo binh vóc người nhỏ bé nhưng sức mạnh và ý chí chiến đấu thì không ai sánh kịp. Từ những đôi vai bé nhỏ, những đôi tay mềm yếu, hàng tấn đạn dược, súng ống, lương thực lần lượt được chuyển ra tiền tuyến... “Có những đoạn đường chúng tôi không thể thồ hàng bằng xe đạp, vậy là chuyển sang gánh trên vai. Phồng rộp, trầy xước, khắp người đầy những vết bầm nhưng ý chí đã vượt trên tất cả những sự đau đớn” - chị Dương Thị Tuyết, Trưởng ban liên lạc nữ cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, tâm tình. Trận đánh vào Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn trong đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nữ pháo thủ đội Biệt động 67 của lực lượng biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga - đã bắn pháo không bàn đế vào mục tiêu Sở chỉ huy của tướng Westmoreland. Từ trận địa pháo tại ngôi nhà ở chợ Vườn Chuối, chị bắn pháo vào mục tiêu khuôn viên sở chỉ huy. Quả pháo trúng vào chiếc xe chở lính đi càn khiến hàng chục tên lính thương vong.
Chào em chào những chiến công/ Chào ngọn lửa hồng sáng rực niềm tin... Những câu thơ mà thi sĩ Giang Nam dành tặng cho các nữ chiến sĩ pháo binh 8/3 (phiên hiệu của đội nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng) năm 1970 trong một lần đi thực tế và nghỉ lại đơn vị đã trở thành những vần thơ thắp lửa. Những ngày tháng tư lịch sử, thêm lần nữa ánh lửa của tình yêu quê hương, đất nước, những ánh lửa của niềm tin, niềm tự hào phụ nữ Việt Nam sẽ mãi lan tỏa, không ngừng.
MINH AN