“Phá vỡ thế độc quyền”, “Gia tăng ảnh hưởng”… là những cụm từ được giới báo chí, truyền thông quốc tế bình luận về chuyến thăm 4 nước Mỹ Latinh gồm Brazil, Colombia, Peru và Chile của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Có hơn 120 doanh nhân tháp tùng ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du từ ngày 18 đến 26-5 này và dự kiến sẽ ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng. Với Brazil, 2 bên sẽ ký khoảng 30 thỏa thuận và dự án với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD. Tại Colombia, hai nước sẽ ký hiệp định tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư, nông nghiệp và viễn thông. Tại Peru, hai bên sẽ ký 12 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng và nông nghiệp. Tại Chile, Bắc Kinh và Santiago sẽ hiện thực hóa việc cùng thiết lập văn phòng đại diện của ngân hàng hai nước tại mỗi quốc gia và ký thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần…
Giới truyền thông Trung Quốc và quốc tế bình luận chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường cho thấy Trung Quốc ngày càng tăng cường dự hiện diện và ảnh hưởng tại Mỹ Latinh. Vào năm 2013 và 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm Mỹ Latinh. Đầu năm nay, Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Bắc Kinh. Viện trưởng viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc khu vực Mỹ Latinh Ngô Hồng Anh nhận định, chuyến thăm này thể hiện thái độ coi trọng mối quan hệ Trung - Mỹ Latinh của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Hiện, Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn của khu vực Mỹ Latinh, với trao đổi mậu dịch hai bên tăng từ hơn 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013, tức là tăng gần 22 lần. Riêng trong năm 2014, các thể chế tài chính của Trung Quốc đã cấp hơn 22 tỷ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh, vượt tổng số tín dụng của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - hai nguồn cho vay truyền thống - cấp cho khu vực này.
Đặc biệt, quan trọng nhất trong chuyến đi này là việc ký thỏa thuận về nghiên cứu kỹ thuật để xây dựng tuyến đường sắt nối hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương qua lãnh thổ Peru và Brazil. Tuyến đường sắt này, được ví von là “kênh đào Panama trên cạn”, có chiều dài 3.500km, nằm trong một dự án trị giá 10 tỷ USD, bắt đầu từ các thành phố ven biển của Peru và kết thúc là bờ biển của Brazil. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ký cùng Brazil và Peru một bản ghi nhớ cùng xây dựng tuyến đường sắt nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, Theo Trung Quốc, với tuyến đường sắt này, các công ty xuất khẩu sẽ tránh được chi phí ngày càng tăng cao để được đi qua kênh đào Panama.
Báo Financial Times bình luận, việc xây dựng kênh đào Panama trên cạn sẽ giúp Trung Quốc xác lập vị trí tích cực hơn trong việc kết nối với châu Phi, Mỹ Latinh và Thái Bình Dương. Hiện tại, vận tải đường biển là con đường giao thông xuyên quốc gia quan trọng nhất thế giới, trong khi ba “yết hầu” vận tải biển chính (gồm eo biển Malacca tại châu Á, kênh đào Suez giữa châu Á và châu Phi, kênh đào Panama chia tách khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ) đều đang chịu sự kiểm soát bởi những hệ thống chính trị và kinh tế quốc tế do Mỹ đứng đầu. Đây không phải là lần đầu Trung Quốc cố gắng phá vỡ thế độc quyền này của Mỹ và dự án đường sắt có thể được xem như một nước cờ quan trọng.
VIỆT ANH