Nước mắt, niềm vui và nỗi buồn trong ngày chia tay!

Các HCV trong ngày
Nước mắt, niềm vui và nỗi buồn trong ngày chia tay!

Có cả nước mắt, niềm vui và nỗi buồn cùng hiện diện ở Nhà thi đấu Thủ đô - nơi diễn ra trận tranh hạng 3 môn bóng chuyền nữ giữa 2 đại biểu chủ nhà Trung Quốc và Cuba sáng hôm 23-8 - sau khi tuyển chủ nhà Trung Quốc đánh bại Cuba hùng mạnh với tỷ số 3-1 và giành được chiếc HCĐ vốn không giá trị bằng chiếc HCV nhưng cũng rất quý báu.

Nước mắt, niềm vui và nỗi buồn trong ngày chia tay! ảnh 1
Niềm vui của các cầu thủ Trung Quốc sau khi giành HCĐ.

Sau chiến thắng kịch tính này, thủ quân của tuyển nữ bóng chuyền Trung Quốc - cô Feng Kun (năm nay đã 29 tuổi) - tiết lộ trong nghẹn ngào trước đông đảo phóng viên rằng đây sẽ là trận đấu cuối cùng của cô cho tuyển nữ Trung Quốc ở đấu trường Olympic sôi động. Feng và những đồng đội đã ôm chầm lấy nhau và khóc vì sung sướng trước đám đông khán giả nhà cuồng nhiệt trên khán đài Nhà thi đấu Thủ đô ngay khi thắng được điểm số quyết định.

Có thể, với nhiều người, chiếc HCĐ hôm nay là một bước lùi rất lớn so với chiếc HCV ở Athens 4 năm trước. Nhưng với Feng, đó lại là kỷ niệm tuyệt vời cuối cùng, tuyệt vời nhưng… đáng buồn!

Người thủ quân tài giỏi của tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc - nữ cầu thủ luôn phải mệt mỏi với nhiều chấn thương trên cơ thể mình 4 năm qua - cho biết trong buổi họp báo mới nhất với gương mặt nhòe lệ: “Quãng thời gian 8 năm qua, quãng thời gian gắn bó với đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc là quãng thời gian vinh quang và hào hùng nhất trong cuộc đời của tôi. Những gương mặt mới ở đây đã sở hữu cái tiềm năng mà giới hâm mộ, giới CĐV có thể an tâm kỳ vọng. Và tôi tin rằng, cái tinh thần bất khuất của đội tuyển nữ bóng chuyền Trung Quốc sẽ còn tồn tại mãi mãi”.

Tay đập chủ công của tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc trong 8 năm qua còn cho biết thêm: “Mọi người ai cũng muốn giành một chiếc HCV, nhưng điều quan trọng cho tất cả mọi cầu thủ là chiến đấu để giành lấy từng điểm số một và cố gắng đứng vững đến những giây phút cuối cùng, cho dù đó có phải là trận tranh chiếc HCV hay không?”.

Ở bán kết, tuyển nữ bóng chuyền Trung Quốc đành “bó tay chịu trói” khi đụng phải các hảo thủ quá đỗi dũng mãnh của Brazil. Trung Quốc đã để thua trắng 0-3 (25-27, 22-25, 14-25). Trong khi đó, Cuba cũng bất ngờ để thua tuyển Mỹ 0-3. HLV tuyển bóng chuyền nữ Cuba, ông Antonio Perdomo buộc phải lên tiếng công nhận: “Xin chúc mừng các cô gái Trung Quốc. Chiếc HCĐ không phải là chiếc HCV nhưng nó cũng có giá trị của nó. Có đến 5 hoặc 6 đội tuyển có khả năng thắng giải đấu ở Olympic năm nay và chúng tôi đã để thua trước đội tuyển mà chúng tôi từng đánh bại ở vòng loại. Các cô gái của tôi đã hy vọng rất nhiều để lọt đến trận chung kết. Có lẽ, chúng tôi đã quá tự tin vào thực lực của mình trong trận đấu với tuyển Mỹ và có thể điều đó đã tác động đến tâm lý các cầu thủ trong ngày hôm nay”.

Dù thất bại, ông Perdomo phủ nhận chuyện đội tuyển từng giành HCV Sydney 2000 và HCĐ Athens 2004 sẽ không còn là một thế lực lớn trong thế giới bóng chuyền nữ tương lai. Ông cho biết: “Nếu bạn nhìn vào lịch sử bóng chuyền nữ, có một thời điểm người Nga là những nhà vô địch và có một thời điểm người Nhật là những nhà vô địch. Cuba cũng đã từng là những nhà vô địch. Ở đây, không có gì là tuyệt đối. Vị trí hạng 4 ở Olympic không có nghĩa là quá tầm thường, là vô nghĩa. Điều đó không có nghĩa chúng tôi đã nằm ngoài cuộc chơi”. Về phần mình, HLV tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc, ông Chen Zhonghe thừa nhận sẽ là khá khó khăn để biến cái tập thể giành HCĐ hôm nay sẵn sàng cho 1 trận đấu bất kỳ trừ khi nào các cầu thủ mong muốn: “Chúng tôi phải làm việc cật lực để ổn định tâm lý các cầu thủ. Sau trận thua Brazil, nhiều cầu thủ đã khóc như một đứa trẻ”.

Nước mắt, niềm vui và nỗi buồn trong ngày chia tay! ảnh 2

TIỂU BẢO

Các HCV trong ngày

-Thorkildsen Andreas (Na Uy, ném lao nam, KL Olympic 90 mét 57)
-Bungei Wilfred (Kenya, điền kinh 800 mét nam)
-Langat Nancy Jebet (Kenya, điền kinh 1.500 mét nữ)
-Bekele Kenenisa
(Ethiopia, điền kinh 5000 mét nam,
KL Olympic 12 phút 57 giây 82)
-Tổ chạy tiếp sức Mỹ (4x400 mét nữ)
-Tổ chạy tiếp sức Mỹ (4x400 mét nam, KL Olympic 2 phút 55 giây 39)
-Hellebaut Tia (Bỉ, nhảy cao nữ)
-Đội Hàn Quốc (bóng chày nam)
-Đội Mỹ (Bóng rổ nữ)
-Jongjohor Somjit (Thái Lan, quyền Anh hạng cân 51 kg nam)
-Lomachenko Vasyl (Ucraina, quyền Anh hạng cân 57 kg nam)
-Diaz Felix (Dominican, quyền Anh
hạng cân 64 kg nam)
-Degale James (Liên hiệp Anh,
quyền Anh hạng cân 75 kg nam)
-Chakhkiev Rakhim (Nga, quyền Anh hạng cân 91 kg nam)
-Wallace Ken (Australia, đua thuyền Kayak 500 mét đơn nam)
-Opalev Maxim (Nga, đua thuyền Canoe 500 mét đơn nam)
-Osypenko Radomska Inna (Ucraina,
đua thuyền Kayak 500 mét đơn nữ)
-Craviotto Saul và Perez Carlos (Tây Ban Nha, đua thuyền Kayak 500 mét đôi nam)
-Meng Guanliang và Yang Wenjun (Trung Quốc, đua thuyền Canoe 500 mét
đôi nam)
-Kovacs Katalin và Janic Natasa (Hungary, đua thuyền Kayak 500 mét đôi nữ)
-Spitz Sabine (Đức, xe đạp địa hình nữ)
-Absalon Julien (Pháp, xe đạp
địa hình nam)
-Mitcham Matthew (Australia, nhảy cầu
10 mét nam)
-Bóng đá nam Argentina
-Kanaeva Evgeniya (Nga, thể dục
nghệ thuật nữ)
-Đội Na Uy (bóng ném nữ)
-Đội Đức (hockey nam)
-Đội Nga ( bơi nghệ thuật nữ)
-Espinoza Maria del Rosario (Mexico, taekwondo hạng cân trên 67 kg nữ)
-Cha Dongmin (Hàn Quốc, taekwondo hạng cân trên 80 kg nam)
-Ma Lin (Trung Quốc, bóng bàn đơn nam)
-Brazil (bóng chuyền nữ)

GIA MẪN 

Tin cùng chuyên mục