Bình luận

Nước Mỹ với những kỳ vọng

Kể từ giữa trưa ngày 20-1-2009, nước Mỹ đã chính thức bước vào một kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên Obama”.

Mang trên mình những nguyện vọng thay đổi của người Mỹ trong một thế giới đã thay đổi, vị tổng thống trẻ tuổi da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã chứng tỏ nhiệt huyết của mình trong bài diễn văn nhậm chức đầy chất hùng biện và tự tin với những cam kết “làm lại nước Mỹ” đang lao đao trong cuộc khủng hoảng đầu thế kỷ 21. Dường như tân Tổng thống Mỹ đã dấy nên những niềm hy vọng đối với nhiều người Mỹ.

Nhưng cùng với những kỳ vọng là những thách thức to lớn đối với Barack Obama và chính quyền mới của nước Mỹ.

Trong bài diễn văn hùng hồn, Obama đã thừa nhận những thách thức, khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt là “có thực”. Ông Obama nói rằng nước Mỹ đang “trong cuộc khủng hoảng” và “đang trong cuộc chiến, chống một mạng lưới bạo lực và hận thù rộng khắp”. Nền kinh tế “bị suy yếu nghiêm trọng… Rất nhiều gia đình đã mất nhà ở, việc làm bị cắt giảm, kinh doanh đình trệ.

Chi phí chăm sóc y tế của chúng ta quá đắt đỏ, chất lượng các trường học của chúng ta không như mong đợi… đó là tâm trạng mất niềm tin trên khắp mảnh đất của chúng ta - một nỗi sợ hãi dai dẳng rằng sự suy sụp của nước Mỹ là không thể tránh khỏi, và rằng thế hệ kế tiếp sẽ phải hạ bớt tầm nhìn… Những thách thức đó rất nghiêm trọng và có rất nhiều. Chúng khó có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhưng các bạn hãy tin rằng, những thách thức đó sẽ được giải quyết…”.

Nhưng có lẽ tân Tổng thống nước Mỹ Barack Obama sẽ khó có “tuần trăng mật” bình yên trong những ngày tháng đầu tiên ở Nhà Trắng. Tiếp quản di sản nặng nề do chính quyền Bush để lại sau 8 năm cầm quyền với sự suy giảm nghiêm trọng nhiều lĩnh vực đối nội và đối ngoại, chính quyền Obama không dễ dàng và sớm làm thay đổi nước Mỹ.

Để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế với số tiền khổng lồ 850 tỷ USD cũng như việc giải quyết những gánh nặng quá lớn cả về chính trị, kinh phí và quân sự ở Iraq, Afghanistan cùng nhiều “mặt trận” khác trên thế giới sẽ là những vẫn đề nan giải.

Có thể thấy được điều này khi trong chương trình nghị sự những ngày đầu tiên của chính quyền Obama là các vấn đề về quân đội và vũ khí. Bàn tay của những thế lực tài phiệt – quân sự lại ló dạng.

Phục hồi kinh tế mới là chủ đề thứ hai bởi để “giải ngân” được gói kích cầu 850 tỷ USD nhằm giải cứu nền tài chính Mỹ khỏi cơn bạo bệnh và triển khai các dự án xây dựng cầu đường và cải tạo nhà ở còn phải trải qua những thủ tục không kém phần nhiêu khê.

Mặt khác, để tạo ra 2,5 triệu việc làm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khốn đốn và thất nghiệp tràn lan là điều thực sự khó khăn…

Trên bình diện đối ngoại, chính quyền Obama có quá nhiều việc cấp bách phải giải quyết. Bãi lầy Iraq và cuộc chiến cam go ở Afghanistan; cuộc xung đột ở Dải Gaza và bài toán hòa bình Trung Đông chưa có lời giải; những rắc rối xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên; và các mối quan hệ của Mỹ với các nước lớn cũng như các nước khác còn lại cũng cần được điều chỉnh trong một thế giới đã và đang thay đổi. Chiến lược ngoại giao “quyền lực thông minh” mà tân Ngoại trưởng Hilary Clinton đề cập cũng chứa đựng những thách thức không chỉ từ nước Mỹ mà từ các nước trên thế giới…

Người ta đã chứng kiến sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên chính trường Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ đợi những thay đổi trên thực tế bởi “kỷ nguyên Obama” lắm thách thức chỉ mới bắt đầu. 

Nguyễn Khắc Đức

Tin cùng chuyên mục