Chiều 5-6, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động khoảng 24.500- 26.000 đồng/kg.
Nếu như những năm trước mỗi khi giá cá tăng thì nhiều hộ nuôi mở rộng diện tích nuôi mới, tuy nhiên hiện nay, dù giá cá tra bán ra có lời, song người dân ĐBSCL dè dặt, không vội tăng sản lượng cá bởi lo ngại tình trạng “thừa nguyên liệu” và cá lại rớt giá dẫn tới thua lỗ.
Theo ông Bình, xu thế hiện nay là giảm dần tình trạng nuôi nhỏ lẻ, tự phát, để phát triển các mô hình nuôi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm hạn chế việc “cung vượt cầu”.
Tại Đồng Tháp, địa phương nuôi cá tra nhiều nhất ở ĐBSCL, hiện nay còn hơn 116 ha người nuôi “treo ao” chưa dám nuôi lại, bởi lo ngại giá cá lên xuống thất thường. Các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp chủ trương tái cơ cấu ngành cá tra theo chuỗi giá trị, giảm nuôi nhỏ lẻ tiến tới hình thành mô hình nuôi liên kết, có sự hợp đồng giữa người nuôi và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng cá, chú trọng phát triển theo hướng GAP…
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2017, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi khoảng 3.092 ha cá tra (giảm 6,2% so cùng kỳ), sản lượng thu hoạch khoảng 466.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 665 triệu USD, tăng 2,4% so cùng kỳ.
Dù xuất khẩu cá tra có tăng nhẹ, nhưng nhìn chung chưa khởi sắc bởi những rào cản ở thị trường Hoa Kỳ, trong khi thị trường EU nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi nhiều, cộng với áp lực truyền thông của một số nước trên thế giới gây khó cho cá tra.
Riêng thị trường Trung Quốc, Brazil, Mexico… tăng mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam, nhờ đó giá cá được cải thiện. Song, việc phát triển cá tra cần theo dõi chặt diễn biến thị trường thế giới để điều chỉnh hợp lý, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu.