Nứt đất nghiêm trọng gần hồ thủy điện Đồng Nai 2

Trong khi người dân xã Tân Thanh và Liên Hà (huyện Lâm Hà) cay đắng nhìn hàng trăm hécta cà phê sắp thu hoạch bị hồ thủy điện Đồng Nai 2 nhấn chìm thì nhiều hộ dân tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc tích nước hồ thủy điện Đồng Nai 2 đã gây ra tình trạng nứt, trượt đất làm sập nhà dân.

Trong khi người dân xã Tân Thanh và Liên Hà (huyện Lâm Hà) cay đắng nhìn hàng trăm hécta cà phê sắp thu hoạch bị hồ thủy điện Đồng Nai 2 nhấn chìm thì nhiều hộ dân tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc tích nước hồ thủy điện Đồng Nai 2 đã gây ra tình trạng nứt, trượt đất làm sập nhà dân.

Ngày 16-10, đoàn công tác của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã đến khảo sát hiện trường khu vực nứt, trượt đất tại thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa. Theo người dân, hiện tượng nứt, trượt và trồi sụt đất tại khu vực này xảy ra từ đầu tháng 10 và những ngày gần đây diễn biến càng thêm nghiêm trọng. Vừa dọn dẹp đồ đạc trong căn nhà nứt toác, anh Điểu Văn Khảo cho biết, sau một trận mưa lớn vào đêm 6-10, anh đang ngủ thì nghe tiếng động lụp bụp, lấy đèn pin soi thì thấy bức tường hông nhà bếp bị rạn nứt. Hai hôm sau, lần lượt tường phòng khách, rồi nền nhà bị nứt toác, gia đình anh phải chuyển đồ đạc ra ngoài tìm nơi ở tạm.

Cách đó không xa, căn nhà của gia đình anh Dương Văn Sản vừa bị đổ sập hoàn toàn vào sáng 14-10. Anh Sản cho biết, gia đình anh dành dụm nhiều năm mới xây được căn nhà trị giá 300 triệu đồng, vừa dọn vào ở chừng 10 ngày thì xảy ra hiện tượng nứt đất. Ban đầu, chỉ thấy vết rạn trên tường, đến đêm 9-10, sau trận mưa lớn, anh nghe tiếng động lắc rắc, rồi nền gạch vỡ toác, vợ chồng anh hoảng hốt ôm con nhỏ chạy ra ngoài. Vết nứt cứ thế lớn dần và đến rạng sáng 14-10 hai tường nhà đổ ụp.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ, vùng ảnh hưởng trượt lở, nứt đất rộng khoảng 30ha, tâm trượt lở kéo dài khoảng 1.500m từ đỉnh Cổng Trời đến mép hồ thủy điện Đồng Nai 2, xung quanh tâm trượt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt lớn ngang qua nhà dân và rẫy cà phê, vết nứt lớn nhất rộng khoảng 2m. Ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết đến ngày 16-10 đã có ít nhất 9 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó 4 căn bị sập và một số căn nứt toác, có thể sập bất cứ lúc nào. Ngoài ra, vườn cà phê và nhiều hồ thủy lợi của dân cũng bị ảnh hưởng. Ngoài thôn Gia Bắc 2, vết nứt cũng đang lan sang các thôn Lộc Châu 1, Lộc Châu 2 và Lộc Châu 3 (xã Tân Nghĩa).

Người dân thôn Gia Bắc 2 cho biết, họ sinh sống ở đây hàng chục năm nhưng chưa từng thấy hiện tượng nứt đất, chỉ sau khi hồ thủy điện Đồng Nai 2 tích nước (ngày 21-9) thì hiện tượng này mới xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng, hiện vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân nứt đất, mà cần phải có thêm thời gian để phân tích các thông tin liên quan. Sau đợt khảo sát này, sở sẽ đề nghị các nhà khoa học đang thực hiện chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3) và Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM vào cuộc nghiên cứu, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Cũng theo ông Lê Xuân Thám, hiện tượng nứt đất vẫn đang tiếp diễn.

Ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết khu vực ảnh hưởng trượt lở đất nằm cách mặt hồ thủy điện Đồng Nai 2 khoảng 500m và không thuộc diện đền bù giải tỏa để tích nước hồ chứa. Trước mắt, huyện chỉ đạo UBND xã Tân Nghĩa huy động lực lượng dân quân và công an giúp dân di dời và bảo vệ tài sản của dân. Huyện cũng vận động dân di dời khỏi vùng nguy hiểm và thu hái cà phê vì hiện đã có một số diện tích cà phê đã hư hại do nứt đất.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục