Nút giao thông 3 tầng đầu tiên dần hình thành

Tổ chức thi công 3 ca/ngày và thường xuyên có mặt hơn 100 kỹ sư, công nhân trên công trường là ghi nhận của chúng tôi trong những ngày này tại công trình thi công hầm chui nút giao thông An Sương - nút giao thông đầu tiên ở TPHCM có 3 tầng lưu thông…

 

 Đường hầm từ đường Trường Chinh đi vào nút giao thông An Sương Ảnh: THÀNH TRÍ
Đường hầm từ đường Trường Chinh đi vào nút giao thông An Sương Ảnh: THÀNH TRÍ
Dự án tầm cỡ

Nằm trên địa bàn quận 12, ngã tư An Sương là giao lộ của 2 trục giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố, đó là tuyến quốc lộ 22 và quốc lộ 1. Trong khi tuyến quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ tỉnh Tây Ninh và Campuchia về thành phố, nối  vào trục đường xuyên tâm là Trường Chinh thì tuyến quốc lộ 1 có tác dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Chính sự tụ hội này đã dẫn tới sự tập trung khối lượng lớn các loại phương tiện giao thông qua nút và mặc dù hướng giao thông đi thẳng trên quốc lộ 1 hiện đã có cầu vượt, tức giao thông khác mức, thế nhưng tất cả các hướng giao thông khác đều có khuynh hướng tập trung vào đảo trung tâm; từ đó, gây quá tải tại nút giao An Sương. Trên thực tế, hướng giao thông quốc lộ 22 - đường Trường Chinh dẫn về trung tâm thành phố và ngược lại luôn chiếm lưu lượng xe lớn nhất đổ qua nút nên thường xảy ra ùn tắc, ùn ứ giao thông.

Để giải quyết điểm nóng giao thông này, chính quyền thành phố đã chọn phương án xây dựng nút giao thông 3 tầng bằng cách thực hiện dự án hầm chui tại đây. Nội dung chính của dự án là xây hầm chui theo hướng đường Trường Chinh - quốc lộ 22 và là hầm chui kép, mỗi hướng giao thông một hầm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 514 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Ngày 19-1-2017, chủ đầu tư dự án là Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình này. Nhánh hầm đầu tiên được chọn thi công là nhánh hầm chui theo hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22, tức hướng từ trung tâm thành phố đi về phía huyện Củ Chi, gọi tắt là nhánh N1.

Hiện nay, sau một năm triển khai, nhánh hầm N1 đã thi công được 85% khối lượng hạng mục công trình. Cụ thể, đã thi công xong cơ bản các đốt hầm hở của toàn bộ 7 đốt hầm phía đường Trường Chinh và thi công xong 8/9 đốt hầm hở bên phía quốc lộ 22. Trong khi đó, phần hầm kín cũng đã thi công xong 3/5 đốt hầm, đang thi công 2 đốt hầm còn lại và hạng mục trạm bơm.

Theo lãnh đạo Khu QLGTĐT số 3, nhánh hầm N1 đang được đẩy mạnh thi công để hoàn tất, thông xe trong tháng 3-2018. Riêng nhánh hầm còn lại, nhánh hầm theo hướng từ huyện Củ Chi vào trung tâm thành phố (nhánh N2) sẽ được khởi công trong quý 1 năm nay và hoàn thành ngay trong năm nếu được bàn giao mặt bằng đúng kỳ hạn.

Phối hợp giải quyết khó khăn

Ngay từ đầu, Sở GTVT TPHCM đã xác định đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, xây dựng tại vị trí cửa ngõ thành phố nên chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là mặt bằng thi công hẹp, mật độ giao thông dày đặc và phức tạp, cộng với bị vướng nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vị dự án, như hệ thống ống cấp nước, hệ thống điện ngầm trung thế, cáp viễn thông…

Mấu chốt để giải quyết những khó khăn này là cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa ngành GTVT với các đơn vị liên quan để chuyển dời hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án, cũng như phối hợp liên ngành giữa Thanh tra GTVT, Đội Cảnh sát giao thông An Sương, Công an quận 12, chính quyền địa phương để tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông nhằm đảm bảo an toàn, không gây ùn tắc trong suốt quá trình thi công.

Về phần mình, ngành GTVT mà đại diện là Khu QLGTĐT số 3 cũng đã linh động trong việc chọn thời điểm thi công. Cụ thể, do mặt bằng chật hẹp trong khi mật độ xe cộ lưu thông qua nút đông đúc, đặc biệt vào các giờ cao điểm, vì thế việc thi công hầm chui được chọn vào giờ thấp điểm để không gây ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông qua nút giao của các phương tiện.

Tuy nhiên, một số khó khăn mang tính khách quan cũng đã xuất hiện trong thời gian qua. Đó là tình trạng thời tiết năm 2017 diễn biến thất thường, cũng như xuất hiện nhiều mạch nước ngầm khi đào thi công hầm kín… Những khó khăn này đã được linh động giải quyết, như thay đổi biện pháp xử lý trạm bơm để hút nước ra ngoài sau cơn mưa để trả mặt bằng thi công.

Trước đó, việc mở rộng, cải tạo tiểu đảo các nhánh quốc lộ 1 và quốc lộ 22, hướng đi tỉnh Tây Ninh và nhánh đường Trường Chinh đã được thực hiện để dọn đường thi công hầm chui. Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách  Khu QLGTĐT số 3, việc tổ chức, sắp xếp lại giao thông cho nút giao này có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình thi công hầm chui.
 Dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương là dạng hầm chui đôi theo hướng đường Trường Chinh - quốc lộ 22, mỗi hướng giao thông một hầm, mỗi hầm rộng từ 9 -10m, đáp ứng cho 2 làn xe lưu thông.
Phần hầm kín có kết cấu bê tông cốt thép dài 125m, gồm 5 đốt hầm, tĩnh không hầm 4,75m.
Phần hầm hở bên nhánh hầm N1 dài 140m, gồm 7 đốt; trong khi nhánh hầm N2 dài 120m, có 6 đốt.
Tải trọng thiết kế hầm chui là HL 93, với vận tốc thiết kế 50km/h và có tuổi thọ 100 năm. Hầm chịu được động đất cấp 7.
Dự án chỉ giải tỏa nhà của 34 hộ dân và 7 tổ chức trên quốc lộ 22 thuộc địa bàn xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Kinh phí bồi thường giải tỏa khoảng 93 tỷ đồng.
Thời gian thi công toàn bộ dự án là 600 ngày, không tính những ngày gián đoạn do những yếu tố như thời tiết hoặc chậm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công công trình.

Tin cùng chuyên mục