Ở đâu cũng có tết!

Hồi còn ở Hà Nội, chưa cần phải ra phố lớn hay chợ hoa, chỉ nhìn đầu ngõ treo tấm biển giấy nhỏ xíu “Nhận đặt bánh chưng” là thấy không khí tết rồi. Giờ cách xa quê hương nghìn trùng, từ Bỉ tôi gọi cho bạn ở Hà Lan, hẹn tháng 1 này sang chơi, bạn hỏi luôn: “Có thích bánh tét mình đặt người gói cho mang về ăn tết luôn”. Ôi, nghe sao thân thương đến thế!
Ở đâu cũng có tết!

Hồi còn ở Hà Nội, chưa cần phải ra phố lớn hay chợ hoa, chỉ nhìn đầu ngõ treo tấm biển giấy nhỏ xíu “Nhận đặt bánh chưng” là thấy không khí tết rồi. Giờ cách xa quê hương nghìn trùng, từ Bỉ tôi gọi cho bạn ở Hà Lan, hẹn tháng 1 này sang chơi, bạn hỏi luôn: “Có thích bánh tét mình đặt người gói cho mang về ăn tết luôn”. Ôi, nghe sao thân thương đến thế!

  • Tết của đồng hương

Lan, bạn tôi sống cùng chồng ở vùng Spijkenisse gần Rotterdam (Hà Lan). Bạn kể năm nào cộng đồng người Việt ở đây cũng thuê hội trường tổ chức lễ hội Tết Việt rất vui, nấu đồ ăn truyền thống bán phục vụ người dự hội, thi hát karaoke, khiêu vũ..., giá vé vào cửa khoảng 2,5 EUR. Phần hội bao giờ cũng rộn ràng với bốc thăm trúng thưởng và trẻ em dưới 12 tuổi đều có phong bao lì xì 1EUR. Ngay trong lễ hội Tết cổ truyền tại nhiều vùng có cộng đồng người Việt ở châu Âu, bà con bày bán bánh chưng khá nhiều, giá từ 7- 10 EUR mỗi chiếc. Bánh thường được gói bằng lá chuối bọc ngoài lớp giấy bạc alunium folie vì lá dong rất hiếm và đắt.

Họp mặt mừng xuân của cộng đồng người Việt tại Bỉ.

Họp mặt mừng xuân của cộng đồng người Việt tại Bỉ.

Đối với người Việt xa xứ, vào dịp tết cổ truyền, phố phường xung quanh im lìm lạnh lẽo chứ không rực rỡ đèn hoa như dịp Giáng sinh và Tết Tây nhưng lòng vẫn thấy ấm áp vì có thể rủ bạn bè, đồng hương làm cơm tết hoặc đi dự lễ hội tết của cộng đồng. Tết Nguyên đán năm ngoái, bà con ở Bỉ còn mời nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước sang biểu diễn. Năm nay, dự kiến lễ hội Tết Việt xuân Quý Tỵ do nhiều hội đoàn của người Việt tại Bỉ chung tay tổ chức sẽ diễn ra lớn hơn, quy mô rộng hơn để chuẩn bị chào mừng sự kiện kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bỉ vào năm 2013. Mọi người háo hức lắm.

  • Tết của du học sinh

Đón Bình đến nhà chơi khi em được cấp học bổng sang Bỉ du học một năm, Bình kể mấy cô bạn Việt chung trường đều mang theo hai bộ áo dài, một bộ để mặc dịp Tết cổ truyền, bộ kia diện khi làm lễ tốt nghiệp. Bình cảm thấy hơi tiếc vì không mang theo bộ áo dài nào trong vali. Trong tủ quần áo của tôi cũng có hai bộ áo dài để mặc trong lễ cưới của mình, còn con gái 9 tuổi thì sở hữu khá nhiều áo dài đủ sắc màu. Cứ nhắc mặc áo dài vào là Kate hỏi ngay: “Tết hả mẹ?”.

Hóa ra Phạm Huy Hoàng, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Bỉ (SIVIBI, thành lập tháng 3-2011), ở cách nhà tôi không xa, ngay thành phố Leuven. Hoàng cho biết hiện có khoảng 250-300 sinh viên Việt Nam đang học ở Bỉ, chủ yếu theo diện học bổng nhà nước hoặc trường cấp, ít người du học tự túc vì chi phí rất tốn kém. Riêng ở Leuven hội tụ đông sinh viên Việt nhất. Đây là cái tết thứ 5 xa nhà của Hoàng.

“Em sang đây từ năm 2008 để học thạc sĩ. Hiện em học tiếp tiến sĩ và còn hơn 2 năm nữa thì xong. Tết đến nhớ nhà lắm, đêm giao thừa ai cũng gọi điện về nhà chúc tết”, Hoàng nói.

Cuối năm, Hội SIVIBI tất cả các thành phố đều thông báo và kêu gọi mọi người tham gia tổ chức tết, chỉ đóng từ 10-15 EUR là có ngay không khí chuẩn bị đông vui náo nức. Thế là, ở phương Tây xa xôi nhưng tết đến, bếp núc ký túc xá các trường đại học ở Leuven, Gent... có sinh viên Việt du học lại thơm nức mùi bánh chưng chín vì đem bánh vào luộc ở đây được miễn phí tiền điện! Năm nay, ngoài việc cùng các hội của người Việt Nam tại Bỉ tổ chức lễ hội Tết Quý Tỵ cho sinh viên và cộng đồng người Việt tại Bỉ, Hoàng cho biết SIVIBI còn phát động trước tết một tháng cuộc thi ảnh về Tết Nguyên đán của người Việt tại Bỉ.

Xa quê hương nhưng ấm lòng vì tết vẫn ở khắp nơi quanh ta!

KIỀU HƯƠNG (từ Bỉ)

Tin cùng chuyên mục