Ngày 27-5, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng báo cáo nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết trên sông Cầu Trắng thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Theo đó, đã có đủ chứng cứ để “buộc tội” KCN Liên Chiểu đã đầu độc dòng sông dẫn đến cá chết.
Ngư dân thất nghiệp
Chúng tôi trở lại phường Hòa Hiệp, đoạn sông từ Cầu Trắng nối với cửa biển Kim Liên dài hơn 1km vẫn dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, xác cá phân hủy rã ra dập dềnh khắp mặt sông. Anh Huỳnh Văn Lưu (39 tuổi, trú tổ 11, phường Hòa Hiệp Bắc) chỉ tay về phía đoạn sông đen ngòm và bốc mùi, bức xúc: “Đoạn sông này là nơi mưu sinh của biết bao nhiêu gia đình ở đây, vậy mà nay bị ô nhiễm trầm trọng. Người dân chúng tôi yêu cầu các ngành chức năng điều tra ai là thủ phạm và họ phải có trách nhiệm với sức khỏe, đời sống của người dân chúng tôi”.
Ông Phạm Trung, cán bộ phụ trách giao thông – thủy lợi phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết: Hiện cả phường có 80 hộ dân sống nhờ vào nghề đánh bắt trên sông, biển nhưng chỉ có 14 chiếc tàu trên 20 CV đánh bắt xa bờ, còn lại là ghe thuyền nhỏ và thuyền thúng đánh bắt ven bờ và trên các dòng sông. Từ khi nước sông ô nhiễm, cá chết nhiều nên người dân cũng… thất nghiệp luôn.
Theo phản ánh, người dân Hòa Hiệp Bắc khu vực KCN Liên Chiểu phải sống trong cảnh bị “đầu độc” hàng ngày: hít thở khí độc, uống nước ô nhiễm. Quá bức xúc trước tình trạng trên, họ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, các ngành chức năng nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường sống vẫn kéo dài trong nhiều năm qua.
Gần đây nhất, người dân phường Hòa Hiệp Bắc có văn bản kiến nghị đồng ký tên gửi lên UBND TP Đà Nẵng, Sở TN-MT TP, UBND quận Liên Chiểu và các ngành chức năng liên quan đề nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây. Theo đơn, kể từ khi KCN Liên Chiểu đi vào hoạt động đến nay, các nhà máy đã thải chất thải công nghiệp ra môi trường vô tội vạ làm ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm nguồn nước gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Khẩn trương xây hệ thống xử lý nước thải tập trung
Mặc dù đã đi vào hoạt động nhiều năm qua nhưng KCN Liên Chiểu lại không hề có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ông Trần Phước Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, khẳng định: Cá chết mấy ngày qua là do các nhà máy trong KCN Liên Chiểu “đầu độc”. Hiện có 20 nhà máy nằm trong KCN Liên Chiểu đóng trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc chuyên sản xuất các sản phẩm như xi măng, giấy, cao su, thép, nhựa… toàn những ngành sản xuất gây ô nhiễm.
Theo báo cáo của Sở TN-MT gửi UBND TP Đà Nẵng, sông Cầu Trắng là nơi tiếp nhận nước thải từ KCN Liên Chiểu, nước thải sinh hoạt và sản xuất của nhân dân dọc tuyến QL1A và nước thải từ các kho xăng dầu PETEC, PV Oil. Lưu lượng thải của KCN Liên Chiểu khoảng 600 - 800m3/ngày đêm. Qua kết quả xét nghiệm các thông số với quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp, thông số COD vượt 11,32 lần; TSS vượt 0,12 lần, dầu mỡ vượt 1,52 lần; sunfua vượt 0,172 lần. Và đây cũng là nguồn gây ô nhiễm cho sông Cầu Trắng.
Trao đổi với PV Báo SGGP sáng 27-5, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho biết: Trước mắt, Sở TN-MT đề nghị UBND TP Đà Nẵng đình chỉ hoạt động đối với các nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo không tiếp tục gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng KCN Liên Chiểu - PV) khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải KCN Liên Chiểu, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra sông Cầu Trắng.
NGUYÊN KHÔI
>> Kiểm tra hiện trường vụ cá chết ở sông Cầu Trắng, Đà Nẵng
>> Cá chết hàng loạt do nước sông bị ô nhiễm?