Ở vùng rốn lũ: Nông dân đã ra đồng

Lũ còn để lại nỗi đau cùng kiệt nhưng có lẽ nông dân vùng rốn lũ, xã Tân Ninh, huyện Quảng Bình, ra đồng sớm nhất tỉnh Quảng Bình. Từ sáng tinh mơ 23-10 đã có người, trâu lội ì oạp xuống ruộng, có nơi người dân đưa máy cày mi ni xuống đồng. Còn hàng trăm hécta đất nông nghiệp ở Hà Tĩnh bị cát, sỏi bồi lấp trầm trọng, những người nông dân đang tính kế cải tạo lại ruộng đồng.
Ở vùng rốn lũ: Nông dân đã ra đồng

Lũ còn để lại nỗi đau cùng kiệt nhưng có lẽ nông dân vùng rốn lũ, xã Tân Ninh, huyện Quảng Bình, ra đồng sớm nhất tỉnh Quảng Bình. Từ sáng tinh mơ 23-10 đã có người, trâu lội ì oạp xuống ruộng, có nơi người dân đưa máy cày mi ni xuống đồng. Còn hàng trăm hécta đất nông nghiệp ở Hà Tĩnh bị cát, sỏi bồi lấp trầm trọng, những người nông dân đang tính kế cải tạo lại ruộng đồng.

  • Giữ sức ra đồng...

Ruộng đồng cả Tân Ninh cò bay thẳng cánh, mỗi mùa vụ cho hàng ngàn tấn lúa thành phẩm nuôi sống gần 10.000 nhân khẩu của các thôn. Niềm vui được mùa của vụ hè - thu năm nay đã tắt ngấm khi hàng trăm ngàn tấn thóc bị lũ nhấn chìm, lúa thịt, lúa giống đều bị lũ biến thành mạ.

Bà Nguyễn Thị Kháng (64 tuổi, trú tại xóm Phú Yên, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) buồn rầu trước mớ lúa giống nảy mầm vì nước lũ.

Bà Nguyễn Thị Kháng (64 tuổi, trú tại xóm Phú Yên, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) buồn rầu trước mớ lúa giống nảy mầm vì nước lũ.

Trong khi đó, ruộng đồng ở huyện Hương Khê bị bồi lấp bởi cát, sỏi sau lũ. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Trong khi đó, ruộng đồng ở huyện Hương Khê bị bồi lấp bởi cát, sỏi sau lũ. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Làng tiêu điều vì bị hai trận lũ, ai cũng phờ phạc vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Nhưng nước rút đến đâu, những lão nông tri điền lại vẫn lùa trâu lội đồng cày ruộng sau lũy tre làng.

Từ sáng sớm, ông Trần Văn Hinh (Hòa Bình, Tân Ninh) đã cùng con trâu đực sống sót sau lũ ra đồng để cày thửa ruộng còn ngập bùn đất.

Ông Hinh nói dưới cái nắng oi nồng sau lũ: “Nhà mất sạch, may có hàng cứu trợ ăn cầm hơi, giữ sức ra lại đồng sau lũ”. Con trâu nhà ông Hinh may mắn chạy lên núi cao cách nhà hơn chục cây số nên bảo đảm được “cơ nghiệp” cấy cày.

Cái đói trước mắt, cấp tốc, khẩn thiết là làm sao chống được đói. Ông Hinh xác định: “Chắc chắn là đói rồi, lâu nay đời tổ truyền đời tông, đời truyền đời cách chống đói khẩn thiết nhất là trồng rau. May mà cả xã còn một ít rau lang, rau má sau lũ vẫn vươn lên lá xanh mà chia mỗi nhà ít cọng để trồng sau vườn nhà”.

Ông Hinh ra đồng thì vợ là chị Nguyễn Thị Hạnh cùng 4 đứa con ở nhà tăng gia luống rau để chống đói. Vào làng, nhiều người phụ nữ tất bật với mảnh vườn nhỏ. Chị Nguyễn Thị Lý đang cuốc mảnh đất nhỏ chừng 10m² nói: “Trước mắt chống đói thì trồng rau, có rau ăn là có sức mần việc nặng ở ruộng đồng, 6 tháng đói là chắc, nhưng chắc chắn dân tui không ai buông việc”.

  • Cát, sỏi lấp ruộng đồng

Sau hai cơn lũ, tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), những cánh đồng bên lưu vực sông Ngàn Sâu phần bị lũ cuốn gây sạt lở, phần bị cát sỏi bồi lấp.

Anh Nguyễn Kim Tú - Trưởng ban Dân vận huyện Hương Khê, cho biết: Xã Hương Liên phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số Chứt và đồng bào khó khăn. Toàn xã có 170ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng sau hai cơn lũ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do nạn bồi lấp bởi cát. Đặc biệt, tại Bản Rào Tre, nơi có 31 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chứt sinh sống chỉ có 0,6ha diện tích lúa nước, nhưng đến nay bị bồi lấp hoàn toàn.

Các địa phương như Hương Xuân, Hương Phong,… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Nguyễn Thị Giáo (55 tuổi, trú xóm 1 Phú Hương, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê), đứng nhìn đám ruộng bị cát bồi lấp, buồn bã: “Lũ vào nhà to quá, ruộng bị cát bồi lấp hết, 2 con trâu lũ cũng cuốn mất, gia đình có 6 miệng ăn...”.

Ông Nguyễn Đăng Kỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, cho biết: Huyện Vũ Quang là huyện cận nghèo. Cơn lũ vừa qua có đến 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là lúa giống bị lũ cuốn trôi hết. Huyện có 3.000ha đất sản xuất lúa thì hơn 1/3 bị cát, sỏi bồi lấp.

Theo chính quyền địa phương dù Trung ương hỗ trợ giống thì vụ đông - xuân cũng khó sản xuất được. Các huyện khác như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ cũng đồng cảnh ngộ. Ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo với người dân cần nhanh chóng cải tạo ruộng đồng để kịp sản xuất vụ đông - xuân. Nên đưa giống lúa ngắn ngày, có năng suất cao nhất vào sản xuất vụ mùa tới để đảm bảo năng suất và thời vụ.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, để chống đói trước mắt, tỉnh hỗ trợ nông dân 100 tấn giống rau các loại để trồng sớm, khẩn cấp. Vụ mùa đông - xuân, theo Sở NN-PTNT Quảng Bình lượng lúa giống thiếu lên đến hơn 2.000 tấn. UBND tỉnh đã lên phương án hỗ trợ 50% giá thành toàn bộ giống cho nông dân để đảm bảo an ninh lương thực vùng nông thôn.

Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cho biết: Diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp rất lớn, đến nay vẫn chưa thể thống kê được do lũ chưa rút hết. Hiện nay Hà Tĩnh cần khoảng 40.000 tấn lúa giống, trên 10.000 tấn đậu phộng để sản xuất vụ đông - xuân. Vừa qua, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 800 tấn lúa giống để phục vụ cho vụ mùa, đến nay Trung ương đã đồng ý hỗ trợ 600 tấn. 

M.PHONG - NG.KHÔI

Thông tin liên quan

>> Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

>> Miền Trung khẩn trương xử lý ô nhiễm môi trường

>> Hà Tĩnh: Tập trung khắc phục sau lũ

>> Tình người trong lũ dữ

>> Tìm được xe chở 19 hành khách mất tích

Tin cùng chuyên mục